Tìm ra cách tiêu diệt virus sốt xuất huyết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh do virus gây ra tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây. Năm 2019, con số chạm kỷ lục.
Thông qua Chương trình Chống muỗi Thế giới (WMP), các nhà khoa học từ Đại học Monash, Australia và Indonesia đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật mới giúp tiêu diệt virus sốt xuất huyết tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Họ tiêm vào muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) - loài chính truyền bệnh sốt xuất huyết cho con người, một loại vi khuẩn có tên Wolbachia. Vi khuẩn này cản trở khả năng truyền virus của côn trùng, bao gồm sốt xuất huyết, mà không ngăn chặn quần thể muỗi hay có ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Quá trình này kéo dài suốt ba năm, kết quả công bố trong tháng 8 và được truyền thông đưa tin ngày 13/10. Các nhà khoa học cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố Yogyakarta, nơi cuộc thử nghiệm diễn ra, đã giảm đáng kể so với những khu vực chỉ áp dụng biện pháp thông thường như phun thuốc, phát quang, loại bỏ ao tù nước đọng,...
Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào 12 khu vực của thành phố Yogyakarta trong vòng 7 tháng. Những con muỗi này lây nhiễm vi khuẩn cho quần thể muỗi địa phương. Sau đó, họ theo dõi số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn thành phố. Các bệnh nhân có triệu chứng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nơi ở và địa điểm đã du lịch, đồng thời được xét nghiệm chẩn đoán.
Hai năm sau, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã giảm 77% tại các vùng thả muỗi Wolbachia. Kết quả chi tiết của thử nghiệm sẽ được trình bày kỹ hơn tại một hội nghị khoa học quốc tế vào tháng 11 tới.
WMP cho biết vi khuẩn Wolbachia được tìm thấy trong tế bào của 60% côn trùng trên hành tinh, bao gồm cả bướm đêm và một số loài muỗi khác. Song chúng không tồn tại tự nhiên trong cơ thể muỗi vằn.
Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 1,2 triệu ca năm 2010 lên 4,2 triệu ca năm 2019, theo WHO. Tổ chức cho biết khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh trong tương lai.
Có hai lý do chính dẫn đến điều này. Đầu tiên, muỗi vằn có xu hướng sống gần khu đô thị. Khi dân số thành phố phát triển, muỗi có cơ hội kiếm ăn và sinh sản. Thứ hai, biến đổi khí hậu đã mở rộng phạm vi hoạt động của muỗi xa hơn về phía bắc. Điều này có nghĩa sốt xuất huyết bắt đầu quay trở lại những vùng mầm bệnh đã biến mất.
Yếu tố khác bao gồm quy hoạch đô thị kém, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng như nước máy thiếu thốn. Việc đi lại, buôn bán ngày càng phát triển, tạo điều kiện môi trường cho muỗi vằn sinh sản tại các khu vực trước nay không có bệnh.
"Sự gia tăng nồng độ khí thải nhà kính trên toàn cầu đang làm tăng nhiệt độ bề mặt cũng như tốc độ nhân lên, khả năng sống sót của virus, tỷ lệ sinh sản và cắn phá của muỗi. Điều này dẫn đến các mùa dịch kéo dài, cho phép sốt xuất huyết lây lan đến những vùng cao hơn", phó giáo sư Rachel Lowe, thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Dorothy Hodgkin có trụ sở tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết.
Rất khó để đưa ra con số chính xác về tổng số ca nhiễm sốt xuất huyết hàng năm trên toàn cầu, vì phần lớn trường hợp không có triệu chứng, do đó không được báo cáo hoặc bị phân loại sai. Theo WHO, trong số 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi năm, ước tính chỉ khoảng 96 triệu ca có biểu hiện.
Triệu chứng của sốt xuất huyết bao gồm buồn nôn, nôn mửa, phát ban, đau nhức cơ thể. Dù ít phổ biến, một số bệnh nhân nặng có thể bị chảy máu nghiêm trọng, suy tạng hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thử nghiệm do WMP thực hiện có quy mô lớn nhất cho đến nay. Nhóm nghiên cứu tự hào về kết quả thu được, nói rằng việc giảm 77% các ca sốt xuất huyết là "đáng kể và quan trọng". Việc thả muỗi trong cộng đồng đòi hỏi sự tin tưởng rất lớn từ phía người dân, đặc biệt là sau nhiều năm vận động nhân cao nhận thức.
"Cộng đồng nơi chúng tôi làm việc đã quen sống chung với bệnh sốt xuất huyết. Nhiều người dân đã nhiễm hoặc có người thân nhiễm sốt xuất huyết. Chúng tôi nhận thấy rằng một khi họ hiểu biện pháp Wolbachia và những gì chúng tôi cố gắng đạt được, họ sẽ ủng hộ nhiệt tình, mạnh mẽ", ông Cameron Simmons, giám đốc WMP tại Châu Đại Dương, cho biết.
Tại Việt Nam, từ năm 2013 muỗi mang vi khuẩn Wolbachia cũng được thả ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang, phục vụ dự án nghiên cứu tiêu diệt mầm bệnh sốt xuất huyết. Tháng 6 năm nay, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tiếp tục được thả ở 15 phường tại Nha Trang. Dự án đến nay đang trong quá trình nghiên cứu.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo