Túi phình mạch máu não - 'bom nổ chậm'

TP HCM - Chàng trai 25 tuổi, đến gặp bác sĩ bày tỏ lo lắng khi phát hiện túi phình khoảng 5 mm động mạch, có thể vỡ bất kỳ lúc nào gây đột quỵ.

Anh đề nghị bác sĩ chủ động can thiệp sớm, cắt bỏ túi phình mà không cần chờ bất kỳ triệu chứng bất thường nào, để tránh nguy cơ vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ, tử vong.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM), cho biết cũng như chàng trai này, nhiều bệnh nhân lo lắng khi đột nhiên biết mình đang có một túi phình nhỏ ở động mạch não, băn khoăn có nên can thiệp sớm.

Theo phó giáo sư Thắng, túi phình động mạch não khá thường gặp, ước tính khoảng 2-3% dân số, tỷ lệ có thể cao hơn ở người lớn tuổi. Như vậy, tại Việt Nam ước tính có khoảng 2-3 triệu "bom nổ chậm" trong dân số 100 triệu.

"Tỷ lệ xuất huyết màng não hiện vào khoảng 6-10 ca trên 100.000 dân. Điều này có nghĩa hơn 3.000 trường hợp có túi phình động mạch não mới có một trường hợp gây vỡ", bác sĩ Thắng phân tích.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình như tuổi, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình... Kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định trong việc xử trí.

Nghiên cứu của ISUIA (International Study of Unruptured Intracranial Aneurysms) được xem là lớn nhất đến nay về túi phình động mạch não chưa vỡ, thực hiện trên 1.692 bệnh nhân có túi phình với kích thước từ hai mm trở lên. Trong số đó, 1.077 người mang túi phình chưa vỡ. Kết quả, trong 5 năm, không người nào bị vỡ túi phình kích thước dưới 7 mm, nằm ở các vị trí tuần hoàn trước. Nguy cơ vỡ của túi phình động mạch thông sau cao hơn, khoảng 1,5% trong 5 năm. Nguy cơ vỡ tăng lên nếu kích thước túi phình trong khoảng 7-12 mm, đặc biệt khi lớn hơn 12 mm.

Hiện nay, có ba giải pháp can thiệp túi phình động mạch não chưa vỡ, gồm phẫu thuật kẹp túi phình, can thiệp bít túi phình, điều trị bảo tồn.

Hai nghiên cứu phân tích gộp, đánh giá kết quả phẫu thuật kẹp túi phình chưa vỡ, cho thấy tỷ lệ tàn phế là 4,1% và 10,9%, tỷ lệ tử vong lần lượt là 1% và 2,9%. Nguy cơ tử vong có thể hơn 20% với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.

Với can thiệp bít túi phình, các nghiên cứu cho thấy kết quả không tốt ở nhóm điều trị can thiệp 3-4%; tỷ lệ tử vong 1-2%. Trong nghiên cứu ISUIA, tỷ lệ tử vong ở nhóm can thiệp là 3,1%. Nguy cơ tử vong cũng sẽ cao hơn, với túi phình tuần hoàn sau hoặc túi phình kích thước lớn.

Điều trị bảo tồn gồm kiểm soát huyết áp, tránh thuốc lá, bia rượu. Điều quan trọng, cần theo dõi túi phình bằng các kỹ thuật hình ảnh mạch máu không xâm lấn như MRA hoặc CTA sau 6 tháng, hoặc một năm để đánh giá việc gia tăng kích thước.

Bác sĩ Thắng lưu ý, chỉ nên chọn một kỹ thuật hình ảnh học để theo dõi. Nếu đã chọn MRA lần đầu, thì nên lặp lại MRA sau đó nhằm tránh sai số giữa hai kỹ thuật. Đây là lựa chọn hợp lý cho túi phình chưa vỡ có kích thước dưới 7 mm.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo nên sớm xử trí phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch túi phình chưa vỡ khi các túi phình có kích thước lớn trên 12 mm, đặc biệt với bệnh nhân trẻ và có tiền sử gia đình. Các túi phình kích thước 7-12 mm nên xử trí thận trọng vì hiện nay chưa có chứng cứ cho thấy lợi ích của việc can thiệp so với điều trị bảo tồn. Nhóm bệnh nhân này nên được theo dõi kích thước túi phình mỗi 6 tháng. Quyết định can thiệp sớm tùy thuộc vào những yếu tố đi kèm như tuổi, tiền sử gia đình, vị trí túi phình, kích thước gia tăng...

"Túi phình nhỏ hơn 7 mm, ở vị trí tuần hoàn trước, bệnh nhân cần cân nhắc giữa nguy cơ vỡ rất thấp và nguy cơ tử vong, tàn phế liên quan can thiệp", bác sĩ Thắng phân tích.

Hiện không có chứng cứ cho thấy việc sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và kháng đông làm tăng nguy cơ vỡ túi phình. Do vậy không nên loại bỏ các nhóm thuốc này, theo bác sĩ Thắng. Đa số trường hợp là điều trị bảo tồn túi phình. Khuyến cáo tầm soát ở người có nguy cơ cao như gia đình có người thân vỡ túi phình và bệnh nhân thận đa nang.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Y học thường thức - 23/04/2024

Mắc rối loạn hoang tưởng, người vợ luôn ám ảnh chồng ngoại tình

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y học thường thức - 15/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Y học thường thức - 08/04/2024

Lý do gia tăng người trẻ mắc tiểu đường

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới