Uống giấm táo có giảm cân?
Ca sĩ Katy Perry hay nhà thiết kế thời trang Victoria Beckham mỗi buổi sáng đều uống hai muỗng giấm táo (ACV), khi bụng đói. Giấm táo được cho là có lợi hơn so với nước chanh giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giúp giảm cân và giảm cảm giác thèm đường. Trên thực tế câu hỏi "uống giấm táo có giảm cân?" vẫn còn nhiều tranh luận.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, công bố năm 2009 trên tạp chí Bioscience, Biotechnology and Biochemistry, uống giấm táo giúp giảm cân. Một nhóm tình nguyện viên gồm nam và nữ thừa cân được thử nghiệm uống 15 ml giấm pha với 250 ml nước, 2 lần mỗi ngày để tan mỡ thừa. Sau 12 tuần, họ giảm khoảng một kg. Khi họ ngừng uống giấm táo pha loãng, cân nặng trở lại mức trước chỉ trong vòng 4 tuần.
Karen Chong Kam-leng, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Quốc tế Hong Kong, Matilda, cho rằng kết quả này chưa đủ để kết luận giảm cân có liên quan tới việc tiêu thụ giấm táo. Các nhà nghiên cứu tiếp tục đưa ra giả thiết "Giấm táo ức chế sự thèm ăn, từ đó giúp giảm cân", và thử nghiệm. Các tình nguyện viên trong bữa sáng uống 3 loại nước giấm: giấm có hương vị dễ chịu, giấm ít ngon miệng hoặc đồ uống không có giấm.
Các tình nguyện viên uống giấm cho biết cảm thấy buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng. "Loại giấm ít ngon hơn" có tác dụng lớn hơn "loại giấm có hương vị dễ chịu". Kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Thụy Điển được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng châu Âu cho thấy thêm giấm vào bữa ăn giàu carbohydrate giúp giảm lượng đường trong máu và insulin trong 45 phút. Những người tham gia nghiên cứu, tất cả đều khỏe mạnh, cho biết cảm giác no tồn tại trong vòng 2 giờ sau bữa ăn.
Các nghiên cứu này cho kết quả ngay nhưng không có bằng chứng nào liên quan tới việc uống giấm táo có thể làm tan mỡ, làm sạch động mạch, thu nhỏ khối u, giải độc máu và chữa bệnh viêm khớp.
Uống giấm thế nào để tốt cho sức khỏe
Ngoài giấm táo hoặc chanh, còn có những đồ uống có lợi cho sức khỏe như gừng, gia vị như bột nghệ và thảo quả, si-rô cây phong, mật ong, củ cải đường, thậm chí cả cải ngựa và hạt tiêu habanero.
Bác sĩ Karen Chong Kam-leng cảnh báo giấm có tính axit, vì thế nên pha loãng, nếu không sẽ có nguy cơ làm hỏng men răng, bỏng thực quản. Năm 2002, một phụ nữ Trung Quốc uống một muỗng canh giấm gạo, sau đó bị viêm họng và bỏng thực quản cấp độ hai.
Bác sĩ Karen cũng cho rằng nếu chế độ ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục, thì không có loại đồ uống nào có thể giúp bạn đốt cháy chất béo và loại bỏ lượng mỡ thừa trong cơ thể.
Phương Lam (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo