Vì sao nCoV lây lan mạnh hơn cúm?
8 tháng kể từ khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 đã lây lan tới hơn 20 triệu người tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây được coi là tốc độ truyền nhiễm lớn đối với một loại virus có cấu tạo khoảng 120nm.
Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, nCoV bắn từ mũi và miệng, phát tán với tốc độ cực nhanh chóng trong môi trường, qua các bề mặt, len lỏi và những không gian kín khí và tồn tại đến hàng giờ liền. Ở mức độ nguy hiểm nhất, mầm bệnh lây lan từ một bệnh nhân sang hàng chục, thậm chí hàng trăm người khác. nCoV sinh sôi nảy nở qua các đám đông, được gọi là hiện tượng "siêu lây nhiễm".
Các cụm dịch như vậy thường bắt nguồn từ lò mổ, cơ sở chế biến thịt, đám cưới, dòng người biểu tình, các buổi tiệc trong nhà, ngoài trời... Tất cả góp phần làm trầm trọng hóa đại dịch hoặc gây ra làn sóng thứ hai tại một số quốc gia trong vòng 8 tháng.
Nhiều người nhiễm nCoV hầu như không truyền bệnh cho bất cứ ai. Trong khi đó, một số trường hợp phát tán virus cực kỳ rộng rãi và nhanh chóng. Tiến sĩ Joshua Schiffer, chuyên gia mô hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, cho biết: "Chỉ một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân lây nhiễm cho rất nhiều người. Ước tính khác nhau giữa các cụm dịch, nhưng luôn có điểm đặc trưng đáng chú ý: Từ 10-20% ca mắc có thể lây ra khoảng 80% ca khác. Các bệnh đường hô hấp khác, như cúm, có mức độ truyền nhiễm đồng đều hơn nhiều".
Tìm ra căn nguyên của cụm "siêu lây nhiễm" có thể là chìa khoá để ngăn chặn hiện tượng này, đẩy nhanh quá trình diệt trừ đại dịch. Hay theo tiến sĩ Ayesha Mahmud, chuyên gia nghiên cứu diễn tiến bệnh truyền nhiễm, Đại học California, Berkeley: "Đó là câu hỏi triệu đô la".
Trong một báo cáo đăng tải trên trang web khoa học medRxiv, tiến sĩ Schiffer và các đồng nghiệp chỉ ra rằng tình trạng "siêu lây nhiễm" thường xảy ra tại "nút giao" của hai yếu tố: địa điểm và thời gian ủ bệnh. Tức là nguồn lây đã mắc Covid-19 đủ lâu để tích tụ nồng độ lớn virus trong cơ thể, cùng lúc đi lại tại môi trường có nhiều người xung quanh.
Theo mô hình dịch tễ do nhóm của Schiffer xây dựng, khoảng thời gian bệnh nhân truyền virus với mức độ cao nhất có thể cực kỳ ngắn, một đến hai tuần kể từ khi nhiễm nCoV. Ngoài mốc này, mầm bệnh vẫn có thể lây lan. Vì vậy, người dân cần thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Nhiễm trùng kéo dài càng lâu thì khả năng lây nhiễm càng thấp. Theo tiến sĩ Mahmud, đây là điểm cần lưu ý đối với những người đang phải tự cách ly hoặc nhà chức trách khi quyết định nới phong tỏa, bổ sung nguồn lực cho khu vực cần thiết nhất.
Tuy nhiên, việc cách ly người có khả năng lây nhiễm cao tại thời điểm virus phát tán mạnh lại là câu chuyện khác. Một số bệnh nhân bắt đầu cảm thấy không khỏe chỉ vài ngày sau khi mắc Covid-19, số khác mất vài tuần, nhiều người có triệu chứng dai dẳng không bao giờ dứt. Độ dài của thời kỳ ủ bệnh có thể cách biệt đến mức, một số bệnh nhân biểu hiện lâm sàng sớm hơn cả người lây virus cho họ. Điều này hiếm khi xảy ra với cúm - mầm bệnh khởi phát ổn định chỉ vài ngày sau khi nhiễm.
Nếu nồng độ nCoV trong cơ thể đạt đỉnh trước khi các triệu chứng xuất hiện, việc cách ly và truy vết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc cần làm là xét nghiệm thường xuyên và chủ động. Tình trạng mắc bệnh không biểu hiện xảy ra rất thường xuyên, làm sai lệch khả năng nhận biết nguồn lây nhiễm, đồng thời khiến người dân dễ dàng quên đi dịch bệnh dù nó còn hiện hữu.
Shweta Bansal, chuyên gia sinh thái bệnh truyền nhiễm, Đại học Georgetown, nhận định: "Rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Bạn không chỉ nhiễm virus, còn không biết rằng mình đã mắc bệnh bởi cảm thấy hoàn toàn bình thường". Người mang virus thoải mái đi tới nơi công cộng, cuối cùng vô tình trở thành nguồn siêu lây nhiễm, khiến mầm bệnh bùng phát qua một quần thể mới.
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nCoV có thể truyền trực tiếp qua không khí, ở những môi trường đông đúc, thông gió kém và có nhiều người. Virus cũng di chuyển theo những giọt lớn, nặng hơn, song nhanh chóng rơi xuống đất sau khi được đẩy khỏi đường thở, không có phạm vi tiếp xúc rộng và thời gian tồn tại lâu như các hạt li ti.
Kể từ khi Covid-19 khởi phát, nhiều chuyên gia đã so sánh căn bệnh với cúm, bởi cả hai có chung đặc điểm tấn công đường hô hấp. Sau 8 tháng, họ chỉ ra những điều khác biệt đáng kể. Ở nhiều khía cạnh, nCoV được cho là nguy hiểm hơn.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo