Viễn cảnh Covid-19 tồi tệ trước khi Biden nhậm chức
Vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố ứng phó Covid-19 là ưu tiên hàng đầu, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 10 triệu. Đất nước chìm sâu trong cuộc khủng hoảng y tế, có khả năng tiến đến giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch.
Số ca mắc mới tăng vọt. Bốn lần liên tiếp trong tuần qua, số ca dương tính theo ngày tại Mỹ đạt hơn 100.000. Tuần trước, ước tính cứ 441 người Mỹ thì một người nhiễm nCoV. 29 bang ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục. Dịch bệnh đang càn quét "ở mức đáng lo ngại" tại hơn một nửa nước Mỹ. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng trở lại.
Tiến sĩ Krutika Kuppalli, giáo sư trợ lý y khoa tại Đại học Y Nam Carolina, chuyên nghiên cứu về phản ứng với đại dịch, cho biết: "Chúng ta đang ở một giai đoạn đáng sợ. Tôi cho rằng số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không làm gì đó".
Viễn cảnh tồi tệ của đại dịch ập đến vào thời điểm cực kỳ khó khăn của nước Mỹ. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm xử lý đợt bùng phát trong 73 ngày tới, công khai mâu thuẫn với các cố vấn liên bang về Covid-19 của mình. Đất nước này đang hướng tới một mùa đông lạnh giá, khi virus có thể lây lan nhanh hơn bởi người dân bắt đầu ở trong nhà.
Trong bài phát biểu đắc cử tối 7/11, ông Joe Biden cho biết nhanh chóng tập trung xử lý đại dịch. Ngày 9/11, ông cho ra mắt lực lượng cố vấn Covid-19 mới. Tuy nhiên, Biden đối mặt với hàng loạt thử thách khi nước Mỹ bị chia rẽ bởi quy định đeo khẩu trang và đóng cửa cơ sở kinh doanh. Nhiều chuyên gia dự báo tình hình có thể xấu đi trước thời điểm nhậm chức của tân Tổng thống Biden vào tháng 1/2021.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đang đình chỉ phần lớn hoạt động của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19. Ông cũng đe dọa sẽ sa thải Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci.
Khoảng thời gian trước và sau ngày bầu cử, 6 trợ lý Nhà Trắng và một cố vấn chiến dịch hàng đầu đã xét nghiệm dương tính nCoV. Tất cả đều xảy ra trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn trước, phần lớn người dân buộc phải ở trong nhà. Trong không gian kín, các nhà khoa học cảnh báo nCoV lây nhiễm nhanh hơn. Vào dịp nghỉ Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, sinh viên trở về nhà dẫn đến nguy cơ gieo rắc cụm dịch trong gia đình.
Tiến sĩ Ashish K. Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, nhận định: "Đây là thời điểm rất bấp bênh". Ông cũng cho rằng chính quyền Trump "về cơ bản đã gặp khó khăn" khi nỗ lực kiểm soát đại dịch. Trong khi đó, ông Biden và cộng sự chưa có quyền hành gì, ngoài "quyền lực đạo đức và quyền lực xã hội" cho đến ngày 20/1 năm sau.
"Nếu không có các hành động cụ thể, khá chắc là sẽ thêm 100.000 người chết trước ngày tân tổng thống nhậm chức", tiến sĩ Jha nói.
Để giải quyết tình hình đó, các chuyên gia chỉ ra một số điều Tổng thống đắc cử Biden có thể làm được để kiểm soát đại dịch, trong thời gian chưa tuyên thệ nhậm chức. Ông có thể kêu gọi các thống đốc ban hành chính sách đeo khẩu trang, yêu cầu Quốc hội cung cấp thêm ngân sách cho việc xét nghiệm nCoV.
Trước đó, ông Biden khẳng định muốn "ngăn ngừa virus mà không phải đóng cửa đất nước". Ông cũng hứa hẹn sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đẩy lùi Covid-19.
"Vào ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ thực hiện ngay kế hoạch kiểm soát virus. Chúng tôi không thể cứu sống người đã khuất, nhưng sẽ cứu sống rất nhiều người trong những tháng sắp tới", ông Biden phát biểu vào ngày 6/11. "Ngày đầu tiên" mà ông Biden đề cập, chỉ ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, con đường phía trước với ông Biden còn nhiều thách thức. 9 tháng sau đại dịch, nước Mỹ kiệt quệ trong cuộc chiến và virus đang lan rộng hơn bao giờ hết. Không giống mùa xuân, các cụm dịch tập trung ở New York, Bờ Đông và Bờ Tây, virus đến nay đã len lỏi gần như từng ngóc ngách của 46 bang.
Đợt bùng phát tấn công các cộng đồng dân cư thuộc nhiều tầng lớp. Vùng nông thôn Norton County có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cả nước. Tại một viện dưỡng lão, Covid-19 lây lan cho toàn bộ thành viên.
Ông Biden bước vào Nhà Trắng giữa cuộc khủng hoảng quốc gia nghiêm trọng và phức tạp nhất mà bất cứ tổng thống nào từng gặp phải trong một nửa thế kỷ. Các cựu lãnh đạo như Barack Obama, George Bush đều nhậm chức trong khủng hoảng kinh tế. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên kể từ đời Tổng thống Harry Truman (nhiệm kỳ 1945 - 1953), sau Thế chiến Thứ hai, nước Mỹ đối mặt với "tình huống khó khăn và phức tạp" đến thế.
Hôm 8/11, ông Biden công bố những bước đầu tiên trong kế hoạch đối phó đại dịch, một trong số đó là "lắng nghe khoa học". Các chuyên gia y tế và cộng đồng đã đưa ra lời khen ngợi đối với lực lượng đặc nhiệm phòng dịch của Tổng thống đắc cử, dự kiến bao gồm cựu tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy, tiến sĩ David Kessler, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, và Marcella Nunez-Smith, giáo sư Đại học Yale.
Thục Linh (Theo NY Times, Washington Post)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo