10 ca tử vong vì sốt xuất huyết, Bộ Y tế ra Chỉ thị khẩn

03:10 31/07/2019 - Y tế 24h
NDĐT - ​Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 105 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Trước tình hình này, Bộ Y tế vừa ra Chỉ thị khẩn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Ảnh minh họa
Ra quân vệ sinh môi trường, tìm và diệt bọ gậy của các ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên y tế. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh, Bộ Y tế cho biết, dự báo thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Chỉ thị, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức ba chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7-2019 đến hết năm; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt; Tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân; Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết.

Tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, các Sở Y tế thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Trong công văn này, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện tốt các nội dung gồm: tăng cường công tác truyền thông; Cục Y tế dự phòng là đầu mối chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch sốt xuất huyết và tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết trên phạm vi toàn quốc.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có kế hoạch tập huấn và chỉ đạo tuyến về công tác chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết; rút kinh nghiệm điều trị các trường hợp tử vong; chỉ đạo và kiểm tra việc phân tuyến điều trị, có phương án chống quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Cục Quản lý Môi trường y tế phối hợp chỉ đạo các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi.

Đồng thời, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống véc tơ tại các tỉnh, thành phố trong khu vực được giao quản lý; Phân tích nguyên nhân gia tăng và dự báo tình hình dịch bệnh để tham mưu kịp thời cho Bộ Y tế.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; Hỗ trợ cán bộ tuyến dưới trong công tác tập huấn, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết.

                                                                                                                             NDĐT THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới