15 giờ xuyên đêm thực hiện thành công ca ghép phổi thứ hai
Bệnh nhân chỉ còn thoi thóp thở nếu không được ghép phổi
Bệnh nhân NVK 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản từ khi mới 3 tuổi. 10 năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nặng. Gần đây, bệnh nhân liên tục nằm viện với máy thở và ô-xy hỗ trợ. Bệnh nhân được dự đoán ở giai đoạn cuối của bệnh và chỉ có cơ hội sống sót nếu được ghép phổi.
Ngày 12-8, một nam thanh niên 20 tuổi ở Kim Thành, Hải Dương không may bị tai nạn giao thông, chết não. Bệnh nhân hiến toàn bộ tim, phổi, gan, hai thận, giác mạc và chín gân cho y học. Từ nguồn tạng hiến của nam thanh niên này, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị (BVHN) Việt Đức lần đầu tiên thực hiện ghép năm tạng liền lúc, trong đó có một ca ghép phổi.
PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Lồng ngực tim mạch, BVHN Việt Đức cho biết, ca mổ lấy - ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12-8 tới 6 giờ 30 phút sáng ngày 13-8.
Hiện tại, sau mổ sáu giờ bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi (ECMO) được dừng và rút sau mổ hơn hai ngày.
“Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy, tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn trong một vài ngày tới”, BS Ước cho hay.
So với ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên thực hiện tại bệnh viện trước đó tám tháng, ca này tiến triển tốt hơn.
Làm chủ kỹ thuật khó trong ghép tạng
PGS, TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, kỹ thuật ghép phổi là một thách thức lớn trong ngành ghép tạng. Bệnh viện Việt Đức đã phải xây dựng quy trình cả trăm bước khác nhau để cùng phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.
“Nếu chỉ lấy tim ghép thì đơn giản hơn việc vừa lấy tim vừa lấy phổi của người hiến. Vì khi đó, các bác sĩ sẽ phải chia nhỏ cuống tim phổi cho mỗi bên một ít nên khi tiến hành ghép sẽ khó hơn”, BS Ước nói.
Mỗi tạng có yêu cầu bảo quản, yêu cầu dung dịch giữ, bảo đảm tạng sống, chất lượng tạng ghép riêng. Nếu chỉ lấy tim, gan, thận đồng nhất hơn, nếu lấy phổi thì yêu cầu lấy phổi ghép cao hơn. Ghép hai phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng.
Quan trọng nhất, để hồi sức cho bệnh nhân hiến tạng, các bác sĩ phải thận trọng từng phút, từng giây. Nếu trước khi chết não, giai đoạn hồi sức cho bệnh nhân làm không tốt như áp lực đường thở, các thuốc điều trị nếu không bảo đảm có thể làm hỏng phổi. Do đó, khi quyết định lấy cả phổi ghép, các bác sĩ phải đánh giá rất nhiều tiêu chí về chức năng của tạng để quyết định lấy hay không.
Cách đây hơn tám tháng, vào ngày 12-12-2018, ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não đầu tiên của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho một bệnh nhân 17 tuổi đã được thực hiện thành công, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện.Bệnh nhân bị mắc bệnh mô bào ở phổi, suy đa tạng, suy kiệt cơ thể trầm trọng. Bệnh nhân phải liên tục thở ô-xy do bệnh mô bào ở phổi (langerhans) giai đoạn cuối nên tiên lượng tử vong rất cao và chỉ có cơ hội sống sót nhờ ghép phổi. Thành tựu này được Bộ Y tế vinh danh là một trong chín sự kiện y tế nổi bật năm 2018.
Trải qua tám tháng hồi sức, đến nay, phổi ghép của bệnh nhân hoạt động tốt và bệnh nhân tiếp tục được điều trị phục hồi chức năng hô hấp và điều chỉnh các rối loạn thường gặp sau ghép phổi. Cũng theo BS Ước, hiện nay, thể trạng bệnh nhân được cải thiện do các tạng suy đã được ổn định, hiện chỉ còn 1-2 tạng đang dần hồi phục.
Thành công của ca ghép hai phổi thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên - khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm, mở ra cơ hội phát triển để đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật thường quy tại bệnh viện giống như ghép tim và các tạng khác.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử