5 sự kiện y tế nổi bật năm 2020
Khống chế thành công Covid-19
Ngày 23/1, Việt Nam phát hiện ca nhiễm nCoV đầu tiên trong lúc thông tin về virus và căn bệnh hoàn toàn mới mẻ. Với kinh nghiệm từ thời chống SARS, ngành y tế đưa ra chiến lược ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Tất cả bệnh nhân đợt dịch một và hai được chữa khỏi hoàn toàn kể cả những ca nặng nhất như "bệnh nhân 19", "bệnh nhân 91". Việt Nam trở thành điển hình thành công khống chế Covid-19 trên thế giới.
Đợt dịch thứ ba bùng phát cuối tháng 7, đánh vào các khoa thận, hồi sức... ở ba bệnh viện Đà Nẵng. Thách thức là không xác định được nguồn lây; năng lực xét nghiệm và điều trị ở miền trung không đáp ứng. Các đội y bác sĩ từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh khác được điều động nhanh chóng để dập dịch. Công cụ truy vết cũng giúp khống chế sự lây lan, hạn chế hậu quả chỉ 35 ca tử vong, chủ yếu trên người cao tuổi có bệnh sẵn.
Việc nghiên cứu phát triển vaccine được tiến hành ngay từ đầu năm, đưa đến bước thử nghiệm vaccine trên người đầu tiên đang diễn ra, hứa hẹn một vũ khí chống dịch an toàn và hiệu quả.
Nguồn lực hạn chế, biên giới dài, độ mở cao, nhưng Việt Nam dập dịch thành công giúp đời sống xã hội và nền kinh tế dễ thở hơn trong khi đối phó với Covid-19.
Ca mổ tách trẻ dính nhau
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu ngày 15/7, cách 32 năm kể từ ca mổ cặp Việt - Đức.
Gần 100 bác sĩ tham gia ca mổ tách rời cặp song sinh Hoàng Trúc Nhi và Hoàng Diệu Nhi. Lúc này, hai bé tròn 13 tháng tuổi, nặng tổng 15 kg. Mỗi bé có hai tay, hai chân nhưng thông nối nhiều mạch máu và chung nhiều cơ quan nội tạng, sống cộng sinh.
Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chỉ huy cuộc mổ dài hơn 13 giờ, gồm ba giai đoạn gồm tách rời, tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan. Trúc Nhi - Diệu Nhi được tách thành hai con người độc lập.
Ngày 7/10, hai chị em xuất viện. Bác sĩ Định đánh giá, quá trình hồi phục của bé gần như hoàn hảo. Các bé đạt đúng quỹ đạo phát triển như một trẻ bình thường về thể chất và tinh thần.
"Ca phẫu thuật đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam về tách dính trẻ song sinh dính liền", Giáo sư Trần Đông A, người chỉ huy ca mổ tách nổi tiếng thế giới 32 năm trước, cố vấn ca mổ tách hai bé lần này, nhận xét.
Kỷ lục 23 ca ghép tạng trong 13 ngày
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng gồm ba ca ghép tim, bốn ca ghép gan, 16 ca ghép thận hồi đầu tháng 9. Các tạng hiến từ cả người chết não và người sống. Sau ghép, sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt, ổn định.
Ghép tạng là kỹ thuật khó cần sự phối hợp chính xác giữa các kíp mổ bên cho và bên nhận. Y bác sĩ không chủ động được thời gian vì phụ thuộc nguồn tạng hiến, nhưng chỉ chậm trễ một chút là có thể hỏng tạng. Các ca mổ ghép thường dài cả chục giờ và việc chăm sóc hậu phẫu chống thải ghép phức tạp.
Số ca trên phản ánh tốc độ tăng năng lực ghép tạng ở Việt Nam. Trước khi ca ghép gan đầu tiên diễn ra năm 2004, nhiều chuyên gia đã được cử sang nước ngoài học tập, khoảng thời gian chuẩn bị cho ca phẫu thuật dài 5 năm.
Để có kỷ lục về ghép tạng này, hơn 400 y bác sĩ làm việc xuyên tuần. Đây cũng là lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của bệnh viện ghép tim cho hai bệnh nhân trong hai ngày liên tiếp.
Khám chữa bệnh từ xa
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa ban hành ngày 22/6 mở ra một thời mới trong chẩn đoán và điều trị, với hai mục tiêu là tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Hệ thống Telehealth giúp điều trị hiệu quả bệnh nhân mà vẫn đảm bảo giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19; giảm chi phí đi lại, giảm quá tải tuyến trên, tăng năng lực tuyến dưới, kết nối các bệnh viện.
Khám chữa bệnh từ xa có thể áp dụng cho chẩn đoán, điều trị, dự phòng, phục hồi. Với bệnh nhân, thay vì phải di chuyển hàng trăm cây số tới Hà Nội hoặc TP HCM, họ có thể vẫn nằm tại bệnh viện gần nhà, thậm chí tại nhà, mà vẫn được bác sĩ tuyến trung ương chẩn đoán trên thời gian thực.
Khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước kết nối trực tuyến qua ứng dụng Telehealth. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số.
Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái xuất
Sau nhiều năm im ắng, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm chết người trỗi dậy trong năm nay như bạch hầu, sốt mò, Whitmore.
Bạch hầu âm thầm tấn công nhiều trẻ em ở Tây Nguyên, lan ra Quảng Trị, Quảng Ngãi. Gần 200 ca bạch hầu được ghi nhận, trong đó bốn em bé tử vong. Số bệnh nhân tăng gần 450% so với năm 2019, tăng đến 15 lần so với giai đoạn 2014-2018.
Covid-19 đã làm gián đoạn tiêm chủng, góp phần khiến dịch bạch hầu bùng phát. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ quên đưa con đi tiêm. Ở Tây Nguyên, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu - bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc - chỉ đạt 50%. Để dập dịch, các đội y bác sĩ lập tức được điều tới buôn làng để tiêm chủng cộng đồng cho hàng chục nghìn người. Tháng 10, dịch được khống chế.
Bệnh Whitmore bùng phát ở miền trung do mưa lũ kéo dài là môi trường sinh trưởng mạnh mẽ của vi khuẩn gây bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế đến tháng 10 tiếp nhận 41 ca, gấp 3 lần số ca trung bình nhiều năm qua. Quảng Trị ghi nhận 30 ca.
Sốt mò - bệnh truyền nhiễm đã biến mất nhiều năm - xuất hiện lại ở một số tỉnh miền bắc. Do thông tin về bệnh không phổ biến, hầu hết người bệnh tới viện muộn, tình trạng nặng.
Những bệnh truyền nhiễm chết người trên đều là bệnh cũ tái xuất, hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine và giữ vệ sinh.
Ban Sức Khỏe
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ