Khoảng 21 giờ ngày 9/7, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn tiếp nhận, tiến hành cấp cứu cho 8 người, đều là người một nhà, trú tại thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trào ngược, hôn mê.
Các nạn nhân, gồm: N.T.H (sinh năm 1988); N.T.H (sinh năm 1987); N.T.H (sinh năm 1967); N.V.H (sinh năm 1989); T.Đ.N (sinh năm 1987); P.T.N (sinh năm 1987); N.V.Đ (sinh năm 1964) và N.V.H (sinh năm 1963).
Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn đã khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp cứu. Đến rạng sáng 10/7, có 5 người đã hồi phục, có 3 người vẫn đang hôn mê, phải thở máy.
Nguyên nhân gây ngộ độc, theo thông tin từ người nhà các bệnh nhân, vào bữa tối ngày 9/7, cả nhà tổ chức ăn cơm. Trong bữa ăn, gia đình dùng mật cá trắm đen hòa với rượu ngâm cây mật gấu (tiếng Tày gọi là cây Đi mi) uống.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn Trần Văn Tuyến cho biết, khi ngộ độc dạng này, chất độc sẽ gây suy thận cấp, tan máu... Các bác sĩ đang tiếp tục tiến hành các biện pháp cấp cứu, nhất là đối với 3 nạn nhân phải thở máy. Hiện tại, bệnh viện đang triển khai thêm các xét nghiệm để đưa ra biện pháp cấp cứu chính xác.
Trên địa bàn các tỉnh miền núi nói chung và Bắc Kạn nói riêng vẫn còn tình trạng người dân ăn hoặc dùng các loại cây rừng không rõ nguồn gốc, các loại mật động vật để ngâm, hòa rượu uống. Đã có nhiều vụ ngộ độc do loại thực phẩm này. Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn khuyến cáo, người dân cần hết sức lưu ý không sử dụng những loại rượu ngâm cây không rõ nguồn gốc, các loại mật động vật để hòa rượu uống.
Trước đó, vào tháng 3/2022, tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã xảy ra một vụ ngộ độc do ăn phải cây lá ngón, làm một người chết, năm người phải cấp cứu.