8.000 người TP HCM sắp được tiêm vaccine Covid-19

Theo VnExpress 19/03/2021 - Y tế 24h
TP HCM-Chiến dịch tiêm chủng triển khai từ ngày 22/3 đến 19/4, mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống Covid-19 tại thành phố được tiêm vaccine.

Trao đổi VnExpress, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngày 19/3, cho biết đã tiếp nhận 8.000 vaccine Covid-19 của AstraZeneca vào ngày 10/3. Số vacine này dự kiến tiêm cho 8.000 nhân viên chống Covid-19.

"Trung tâm đang lên kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm ở các đơn vị", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Số vaccine nhập về đang được bảo quản tại hệ thống kho lạnh của HCDC. Các kho lạnh này đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực xử lý lập tức.

Hai ngày qua, HCDC tổ chức hai lớp tập huấn triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 dành cho các đơn vị đủ điều kiện tiêm chủng, gồm 11 bệnh viện thành phố, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 20 bệnh viện quận huyện, trung tâm tiêm chủng VNVC, trung tâm y tế quận huyện và phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Lớp tập huấn hướng dẫn, cập nhật thông tin để giúp các đơn vị chuẩn bị cũng như thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn và hiệu quả trong chiến dịch tiêm chủng vaccine tại thành phố.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 8/3. Nơi này tiếp nhận 900 liều vaccine Covid-19. Đa số người tiêm có phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm sưng đau tại chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, sốt, đau khớp, bồn chồn, khó chịu, ớn lạnh, chóng mặt, tiêu chảy, đau họng.

6 trường hợp gặp phản ứng bất lợi gồm một ca huyết áp kẹp, hai ca tiêu chảy độ trung bình và 3 ca phản ứng phản vệ độ 2. Tất cả được điều trị kịp thời, diễn tiến ổn định, xuất viện sau 24 giờ. Tỷ lệ phản ứng thông thường xảy ra sau tiêm vaccine tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được báo cáo tương tự như thông báo của nhà sản xuất AstraZeneca và những nghiên cứu lâm sàng trên thế giới.

Sở Y tế TP HCM chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng đặc biệt lưu ý hướng dẫn những người được tiêm chủng theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và hướng dẫn họ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Mỗi cơ sở tiêm chủ động hoặc phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn tổ chức đội cấp cứu tại đơn vị trong buổi tiêm chủng, có quy trình xử trí cấp cứu rõ ràng để sẵn sàng xử trí ngay khi xảy ra sự cố bất lợi.

Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, đến ngày 19/3 đã có 16 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine Covid-19. Hải Dương là tỉnh có số lượng người được tiêm cao nhất, chiếm khoảng 50% tổng số người được tiêm tại Việt Nam.

Từ ngày 8/3 đến chiều 18/3, Việt Nam đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 27.546 người. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid -19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. 5 trường hợp phản vệ độ 2, một trường hợp phản vệ độ 3 sau tiêm, đã được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ. Hiện, Việt Nam chưa có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.

Vaccine Covid-19 đang được tiêm cho nhóm ưu tiên tại Việt Nam do hãng dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford, Anh, nghiên cứu phát triển, sản xuất. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về Việt Nam hôm 24/2, chia cho 14 trung tâm kiểm soát bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19 cả nước. Dự kiến trong tháng 3, 4 khoảng hơn 5 triệu liều nữa được Việt Nam tiếp nhận thành nhiều đợt.

Thế giới đã ghi nhận nhiều ca phản vệ nặng, đông máu, tử vong... sau tiêm vaccine Covid-19. Một số nước ngưng tiêm vaccine của AstraZeneca vì lý do thận trọng dù chưa kết luận mối liên quan đến vaccine. Nhà sản xuất nói "chưa có bằng chứng" liên quan vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới và Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng khẳng định vaccine an toàn.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới, việc kiểm soát Covid-19 phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và dự kiến đến năm 2022, vaccine do Việt Nam sản xuất mới được đưa vào sử dụng. Người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả theo thông điệp 5K.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Y tế 24h - 16/04/2024

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y tế 24h - 16/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Y tế 24h - 16/04/2024

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới