Bác sĩ châu Âu đang lặp lại sai lầm Vũ Hán

Theo VnExpress.net 12:37 19/03/2020 - Y tế 24h
Thiếu đồ bảo hộ khiến nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo dẫn đến tử vong, các chuyên gia lo ngại châu Âu đang lặp lại sai lầm này của Vũ Hán.

Hồi tháng giêng khi dịch mới bùng phát, hàng nghìn bác sĩ Trung Quốc mắc bệnh vì không hiểu biết đầy đủ về nCoV và thiếu đồ bảo hộ. Ít nhất 46 y bác sĩ tử vong.

Kịch bản tương tự có nguy cơ xảy ra ở châu Âu.

"Đồng nghiệp ở châu Âu của tôi tiếp xúc với mầm bệnh hàng ngày, nguy cơ khá giống với tình hình trước đó tại Vũ Hán", Wu Dong, giáo sư khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Y Liên kết Bắc Kinh, cho biết. "Chúng ta cần bảo vệ các nhân viên y tế".

Mối đe dọa với y bác sĩ là khủng hoảng mới mà phương Tây đang đối mặt. Từ Italy đến Mỹ, nhiều nước báo cáo tình trạng thiếu đồ bảo hộ và khẩu trang y tế. Trong khi đó, lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, áp đảo số bác sĩ và y tá đang làm việc. Virus có bản chất dễ lây lan, truyền theo những cách khác thường như qua mắt.

Nhân viên y tế đang tiến hành tiêu độc khử trùng trên đường phố Venice, Italy ngày 11/3. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế khử trùng trên đường phố Venice, Italy ngày 11/3. Ảnh: AFP

Tại Vũ Hán, các bác sĩ khoa tai, mũi, họng và mắt có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn đồng nghiệp khoa khác, Du Bin, giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Liên kết Bắc Kinh, cho biết.

"Theo ý kiến của tôi, những bác sĩ này có tiếp xúc chặt chẽ với bệnh nhân. Đó là lý do chính khiến họ dễ dàng nhiễm bệnh. Đào tạo bác sĩ cách tự bảo vệ mình là rất quan trọng", ông nói.

Khác với các đại dịch trước đó như SARS năm 2003, người mắc Covid-19 chỉ biểu hiện nhẹ, thậm chí không có triệu chứng và vô tình truyền virus cho người khác. Chính vì vậy, thực hiện xét nghiệm tìm axit nucleic và xác định trình tự di truyền của virus là vô cùng cần thiết.

"Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm. Ngoài xét nghiệm ra, tôi chẳng thấy có cách nào hơn để chẩn đoán các ca nghi nhiễm và cách ly những người từng tiếp xúc với bệnh nhân", ông Du nói.

Xét nghiệm trở thành thước đo về năng lực của chính phủ và hệ thống y tế giữa các nước trên thế giới. Ban đầu, Trung Quốc gặp khó khăn trong việc sàng lọc bệnh nhân. Nay đến lượt Mỹ phải đối mặt với sự chỉ trích từ công chúng bởi chậm trễ trong xét nghiệm. Trong khi đó, người dân Indonesia và Ấn Độ cảm thấy phẫn nộ vì chính phủ không thực hiện đủ xét nghiệm.

Hàn Quốc, nơi có số ca bệnh cao thứ hai châu Á đã kiểm soát được dịch, phần lớn thông qua việc xét nghiệm hàng chục nghìn người mỗi ngày.

Covid-19 chủ yếu gây tổn thương cho người trên 60 tuổi, song trẻ em vẫn có nguy cơ mắc bệnh và một số trường hợp đã tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên ngày 16/3, người lớn có khả năng mắc bệnh cao gấp 2,7 lần so với trẻ em. Hầu hết trẻ nhiễm virus đều lây từ người bệnh trong gia đình và các em biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nghiên cứu khác của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy trong số 9 trẻ sơ sinh mắc Covid-19, không em nào cần chăm sóc đặc biệt hoặc bị biến chứng nặng.

Đến nay chưa có loại thuốc nào được chấp thuận để đặc trị. Trung Quốc đang kêu gọi các bệnh viện ứng dụng y học cổ truyền để chữa Covid-19. Ngày 17/2, Tân Hoa Xã đưa tin khoảng 87% số bệnh nhân nước này có sử dụng thuốc Trung y.

Nhân viên y tế tại bệnh viện Emile Muller thành phố Mulhouse, miền tây nước Pháp đưa bệnh nhân Covid-19 đến khu điều trị ngày 17/3. Ảnh: AFP

Nhân viên y tế Bệnh viện Emile Muller thành phố Mulhouse, miền tây nước Pháp, đưa bệnh nhân Covid-19 đến khu điều trị ngày 17/3. Ảnh: AFP

"Trung y có hiệu quả ở các bệnh nhân thể nhẹ, trung bình và người đã vượt qua giai đoạn nghiêm trọng", ông Du nói. Song theo quan điểm y học phương Tây, vẫn thật khó khăn để đánh giá hiệu quả của phương pháp này. Tây y và Trung y có sự khác nhau cơ bản về triết lý và không dựa trên cùng hệ thống đánh giá, ông Du bổ sung thêm.

Các bác sĩ cho biết, dù dịch bệnh đã suy yếu tại Trung Quốc, nước này vẫn nên cảnh giác cao độ.

"Ngay cả ở Vũ Hán, chúng ta vẫn cần cẩn trọng, chuẩn bị cho các ca bệnh lẻ tẻ trong tương lai và trường hợp nhập khẩu bệnh từ nước ngoài", Du nói.

Trung Quốc đang hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuần trước, một máy bay chở các chuyên gia và khoảng 30 tấn vật tư y tế của Trung Quốc hạ cánh ở Italy.

"Mỗi quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng khác nhau. Chúng tôi không nói rằng Trung Quốc là ví dụ điển hình mà bạn phải noi theo. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng việc các bạn xử lý theo cách của mình. Nhưng tất cả cần nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc, làm những điều cần thiết, thay đổi thái độ và có trách nhiệm hơn", giáo sư Wu Dong nói.

Covid-19 đã lây nhiễm hơn 170.000 người trên thế giới, làm chết hơn 7.000 bệnh nhân. Dịch có dấu hiệu chững lại ở Trung Quốc vài tuần gần đây. Ngày 17/3, nước này chỉ ghi nhận 21 trường hợp dương tính. Trong khi đó virus có chiều hướng lây lan mạnh mẽ hơn ở châu Âu, châu Mỹ và trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại một số quốc gia như Italy, Tây Ban Nha, Đức..., nơi tỷ lệ tử vong gần gấp đôi so với Trung Quốc.

Thục Linh (Theo Bloomberg)

Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/bac-si-chau-au-dang-lap-lai-sai-lam-vu-han-4071380.html

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới