Bảo đảm các yêu cầu trong tự chủ bệnh viện, xã hội hóa khám, chữa bệnh

NDO - Trao đổi bên hành lang Kỳ họp thứ tư, bên cạnh bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung đã được sửa đổi trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, làm rõ, đặc biệt liên quan đến tự chủ tài chính bệnh viện công lập, xã hội hóa khám, chữa bệnh và giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tự chủ phải tránh rủi ro

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa.

 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề tự chủ bệnh viện công cần phải hiểu cho đúng, đầy đủ, phát huy sáng tạo, đặc thù để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, có nguồn thu tốt lành mạnh thì mới đúng bản chất của tự chủ.

“Chúng ta phải hiểu tự chủ là tạo mọi điều kiện để bệnh viện, đơn vị sự nghiệp công lập phát huy được sáng tạo trong điều kiện đặc thù của mình để phục vụ người dân tốt hơn và có nguồn thu tốt hơn một cách lành mạnh, đúng định hướng thì mới đáp ứng được đúng tính chất của tự chủ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

Còn nếu tự chủ chỉ là giao khoán, tự lo về tài chính, theo đại biểu, rất có thể dẫn đến sai sót. Hiện tượng một số bệnh viện xin quay lại không tự chủ nữa cũng phần lớn là do “ngại” sai sót trong quy trình chịu trách nhiệm để tăng nguồn thu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định.

Nếu tự chủ chỉ là giao khoán, tự lo về tài chính rất có thể dẫn đến sai sót.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nói đến tự chủ là nghĩ ngay đến tự chủ tài chính, nhưng 1 bệnh viện công lập chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định, Luật khác nhau, như Luật Công chức, viên chức (bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức), hay Luật Quản lý tài sản công… cho nên mở ra những dịch vụ gì sẽ phải xin phép rất phức tạp.

Trên thực tế, các bệnh viện tự chủ thu về hàng nghìn tỷ đồng rất nhanh, nhưng tiêu như thế nào thì nhiều thứ vướng mắc. “Với những quy định hiện hành, nhiều khi lãng phí thì an toàn và đúng, tiết kiệm lại rủi ro và có thể sai (do cứ thời điểm đó là phải nhập thiết bị đã đưa vào danh mục mặc dù tại thời điểm đó lại không cần nữa). Hoặc lập dự toán từ năm trước, năm sau công nghệ thay đổi song vẫn phải mua cái máy cũ đó về để dùng, trong khi nếu mua máy mới ngoài danh mục là sai, mua mới để tiết kiệm, để tốt hơn nhưng lại không được cấp phép, dẫn đến sai phạm”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu vấn đề.

Để tránh rủi ro trong tự chủ, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, cần rà soát tất cả các Luật liên quan đầu tư công, công chức-viên chức, đấu thầu…, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác tự chủ. Bên cạnh đó, cần quy định rõ tự chủ được làm gì, không được làm gì, người đứng đầu được quyết định như thế nào cho thật rõ ràng, và tích hợp những điều này vào thành quy định cụ thể.

Theo đại biểu, trong bệnh viện có thể thí điểm 2 vị trí quản lý và chuyên môn, nếu 1 nhân sự đủ đáp ứng 2 yêu cầu đó thì có thể là 1 vị trí nhưng trong trường hợp cần bác sĩ giỏi để đứng đầu chuyên môn ở bệnh viện, thì có thể có 1 giám đốc chuyên môn và 1 giám đốc về hành chính. Quốc hội có thể ra nghị quyết thực hiện chính sách thí điểm như vậy, sau 3-5 năm thì tổng kết lại.

“Những bệnh viện tuyến đầu khối lượng công việc rất lớn, chứng từ, hóa đơn rất nhiều thì hoàn toàn có thể tách riêng 2 vị trí này. Bệnh viện cấp Trung ương còn phải hỗ trợ các tuyến cấp tỉnh, địa phương, tổ chức hội thảo quốc tế, cử cán bộ đi công tác nước ngoài…, do đó các công việc chứng từ tại cơ quan có thể tách ra”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa kiến nghị.

Xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội cho rằng, vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Mặt khác, giá khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách Nhà nước cũng như khả năng chi trả của mỗi người dân.

Dự thảo Luật tại Điều 108 đã quy định về chi phí khám, chữa bệnh; các căn cứ để tính giá khám, chữa bệnh và được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư này.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo, hiệu quả để tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Trong vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải

Liên quan đến vấn đề quản lý giá thuốc, đại biểu Trần Văn Khải cũng lưu ý, hiện tại chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, chỉ mới khống chế giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc của bệnh viện.

“Do vậy, tôi đề nghị giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi), theo đó ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh”, đại biểu kiến nghị.

Mặc dù có xã hội hoá trong y tế nhưng hiện nay y tế công lập vẫn là chủ yếu, trên 90% vẫn thông qua hệ thống khám, chữa bệnh của Nhà nước. Cho nên, mặc dù tự chủ và xã hội hóa trong y tế nhưng vai trò của nhà nước vẫn là chính, là trọng tâm, chủ đạo.

Đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, rà soát lại các nội dung để dự thảo Luật phản ánh đúng trách nhiệm và chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề khám, chữa bệnh.

“Vai trò chủ đạo, tính chủ đạo được thể hiện ở những nội dung này. Theo tôi, Nhà nước luôn phải giữ vai trò chủ đạo trong khám chữa bệnh cho nhân dân, xã hội hóa y tế nhưng tránh bị lạm dụng”, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Y tế 24h - 19/04/2024

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Y tế 24h - 19/04/2024

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Y tế 24h - 19/04/2024

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới