Bệnh nhân 266: 'Xin dư luận nhìn nhận khách quan và rộng lượng hơn'
Trong buổi lễ công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 chiều ngày 22/4, chị H. đứng nép ở một góc hàng, né tránh ống kính của báo chí. Khi được phỏng vấn tâm tư, chị cũng rất dè dặt, kiệm lời.
Buổi lễ kết thúc, chị H. lặng lẽ rảo bước về phía khu cách ly bệnh nhân sau khỏi bệnh. Phải rất khó khăn, tôi mới có thể thuyết phục chị chia sẻ nhiều hơn về câu chuyện của mình.
Chị H. không giấu nổi sự xúc động khi nhắc lại những ngày vừa trải qua. Chưa bao giờ, người phụ nữ 36 tuổi phải đối mặt với nhiều cú sốc và áp lực tinh thần đến vậy!
Chị Lê Thị M.H., 36 tuổi, ở xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội là bệnh nhân 266 mắc Covid-19 tại Việt Nam. Chị H. lên viện Bạch Mai chăm mẹ từ ngày 8/3 đến ngày 10/3. Sau hơn 1 tháng từ khi rời ổ dịch Bạch Mai, đến ngày 14/4, chị H. được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
“Vô cùng sốc” và “bàng hoàng” là cảm xúc của chị H. khi nhận được tin mình mắc Covid-19.
Chị H. kể, thời điểm chị rời Bạch Mai, nơi này vẫn chưa ghi nhận các ca dương tính đầu tiên. Tuy vậy, về địa phương, chị H. vẫn rất ít ra ngoài do tình hình dịch trong nước đã có những diễn biến phức tạp.
Ngày 28/3, sau hàng loạt trường hợp Covid-19 liên quan tới Bạch Mai được công bố, Hà Nội ra công điện khẩn, yêu cầu cách ly y tế tất cả trường hợp từng đến bệnh viện này. Chị H. ký cam kết cách ly tại nhà 14 ngày và nghiêm chỉnh chấp hành.
Đến ngày cách ly thứ 13, tức là ngày 12/4, chị được mời lên làm xét nghiệm nCoV. Lúc này, chị H. rất tự tin vì cơ thể hoàn toàn không có triệu chứng bệnh, hơn nữa thời gian từ ổ dịch trở về cũng đã quá 1 tháng.
Thế nhưng, tin dữ bất ngờ ập đến trưa 14/4 khi chị H. nhận được thông báo mình đã mắc Covid-19. Cùng ngày, chị được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 để điều trị, cách ly.
Sốc và lo sợ khi biết mình mắc bệnh, nhưng chị H. bàng hoàng nhiều hơn bởi cùng lúc phải chịu đựng rất nhiều lời chửi bới, chỉ trích từ dư luận.
Ngày chị H. được đưa lên xe cứu thương, người dân xung quanh ai cũng chỉ trỏ, sợ hãi. Chị rất buồn, nhưng lại nhanh chóng tự động viên bởi tâm lý đó của mọi người là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, khi lên tới viện, chị H. vô tình đọc được hàng loạt những lời chửi bới, thậm chí là những lời thóa mạ khiếm nhã hướng về phía mình dưới những bài báo, bài viết trên mạng xã hội.
“Tôi vô cùng sốc và tủi thân. Họ nói rằng tôi không có ý thức, không biết suy nghĩ, làm lây bệnh ra cộng đồng. Tôi chưa bao giờ phải chịu áp lực lớn đến vậy”, chị H. xúc động nhớ lại.
Người phụ nữ 36 tuổi cho biết, những thông tin trên mạng có rất nhiều sai lệch. Làm dâu ở Thường Tín, chị H. không quen biết nhiều người, cũng không có nhiều bạn bè để tụ tập. Bởi vậy, từ khi chưa có yêu cầu cách ly tại nhà, chị đã hầu như không ra ngoài. Một số lần có việc gấp hay thỉnh thoảng cần đi chợ, chị H. cũng chỉ quanh quẩn trong làng.
“Hơn nữa, bản thân tôi không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh chứ không phải có triệu chứng rồi vẫn cố ý ra ngoài như một số người nói”, chị H. tâm sự.
Trong những ngày áp lực nặng nề nhất, sự động viên của các bác sĩ, người thân và các bệnh nhân cùng phòng chính là “liều thuốc tinh thần” giúp chị H. lấy lại sự bình tĩnh.
Tất cả người thân của chị H. đều đã được đưa đi cách ly tập trung. Ở nơi xa, họ vẫn ngày ngày an ủi, cổ vũ chị. Kết quả xét nghiệm của họ và tất cả F1 khác đến thời điểm này vẫn âm tính đã giải tỏa phần nào áp lực cho người phụ nữ 36 tuổi.
Những ngày trong viện, các bác sĩ quan tâm tới chị H. từng chút một, từ bữa ăn, giấc ngủ tới tâm lý. Họ thường khuyên chị rằng, không nên dùng điện thoại nhiều, cũng không nên quá quan tâm tới những lời chỉ trích, rằng: “Lúc này sức khỏe mới là quan trọng nhất, hãy cố gắng lên, mọi thứ sẽ ổn lại”.
Các bệnh nhân khác thì động viên chị H. rằng, họ cũng đã trải qua tình huống tương tự và mọi người đều vượt qua được. Mỗi ngày, các bệnh nhân trong phòng đều tìm cách nói chuyện để chị H. vui hơn.
“Tôi biết ơn tất cả mọi người vì đã giúp đỡ tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, chị H. chia sẻ.
Chị H. nhận kết quả âm tính lần thứ 2 liên tiếp vào ngày 16/4. Đến ngày 22/4, chị được công bố khỏi bệnh cùng với 5 bệnh nhân Covid-19 khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Điều mà chị H. mong mỏi nhất trong thời điểm này là dư luận hãy có cái nhìn rộng lượng và khách quan hơn với bệnh nhân Covid-19.
“Bản thân tôi và rất nhiều bệnh nhân khác không ai mong muốn mắc bệnh. Trở thành nạn nhân của căn bệnh này là điều không may mắn, chúng tôi đã rất mệt mỏi và khổ tâm rồi. Xin mọi người hãy có cái nhìn khách quan hơn với chúng tôi”, chị H. xúc động nói.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch