Biến chủng BA.5 nguy hiểm đến đâu?

Theo VnExpress 06:20 28/06/2022 - Y tế 24h
Biến chủng BA.5 lây lan nhanh, có thể trốn tránh miễn dịch từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên, song ít gây ra triệu chứng nặng.

Sau nhiều tuần giảm liên tiếp, số ca mắc Covid-19 ở nhiều khu vực tăng trở lại, chủ yếu do biến chủng phụ của Omicron là BA.5 lây lan. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp nó vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", khuyến nghị các quốc gia nâng cao cảnh giác.

Ngày 27/6, giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm BA.5. Ông Lân cho rằng sự xâm nhập của biến chủng mới được cảnh báo từ trước, là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế, thực hiện bình thường mới.

BA.5 xuất hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 1, gây làn sóng tương đối nhỏ vào tháng 5 và đang suy yếu dần. Tuy nhiên, tại Bồ Đào Nha, biến chủng được ghi nhận tại 80% ca nhiễm mới. BA.5 cũng chiếm hơn 21% số ca mắc hiện nay ở Mỹ, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

BA.5 còn xuất hiện ở Bồ Đào Nha, Đức, Anh, Đan Mạch, Pháp, Áo, Bỉ, Hongkong, Australia, Canada, Israel, Na Uy, Pakistan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Khả năng trốn tránh miễn dịch

BA.5 có chung nguồn gốc di truyền với các chủng Omicron trước đó. Nó sở hữu những đột biến riêng biệt là L452R và F486V trong protein gai, giúp virus bám vào vật chủ hiệu quả và né tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Paul Bieniasz, giáo sư tại Đại học Rockefeller, cho biết BA.5 có thể vượt qua hàng rào kháng thể do tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Để xác nhận điều này, các nhà khoa học tại Đại học Columbia đã thử nghiệm kháng thể từ người từng nhiễm Omicron trước đây với các biến chủng phụ. Họ phát hiện chúng hiệu quả ngăn ngừa BA.1 và BA.2, song giảm tác dụng nhiều lần trước BA.5.

Các nhà khoa học coi đây là một phần xu hướng phát triển tự nhiên trong quá trình tiến hóa của virus.

"Các biến chủng trong tương lai sẽ có nhiều đột biến cho phép chúng trốn tránh kháng thể mà con người tạo ra sau tiêm chủng hoặc mắc bệnh", giáo sư Bieniasz nói.

Hình ảnh hiển vi của một mẫu nCoV được phân lập từ bệnh nhân tại Mỹ. Ảnh: NIAID
Hình ảnh hiển vi của một mẫu nCoV được phân lập từ bệnh nhân tại Mỹ. Ảnh: NIAID

Dễ lây lan nhưng chưa chắc gây triệu chứng nặng

Các chuyên gia nhận định BA.5 có tốc độ lây lan nhanh hơn so với phiên bản Omicron trước đây. Theo ước tính của CDC Mỹ, trong tuần đầu tiên của tháng 5, hai biến chủng phụ xuất hiện đồng thời là BA.5 và BA.4 chiếm khoảng 1% số ca nhiễm toàn quốc. Đến 11/6, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 22%.

Khi so sánh trên cùng khu vực địa lý, giáo sư Trevor Bedford, Ban Khoa học Y tế Công cộng của Đại học Fred Hutch nhận thấy BA.2 có tốc độ tăng trưởng là 0,05 mỗi ngày, trong khi BA.5 và BA.4 có tốc độ lần lượt là 0,09 và 0,14 mỗi ngày.

"Điều này cho thấy BA.5 và BA.4 lây lan vượt trội hơn (có thể do đột biến F486V và các đột biến khác trong bộ gene). Chúng tôi phỏng đoán BA.4 và BA.5 có thể tăng nhanh hơn BA.2 và BA.2.12.1", giáo sư Bedford nhận định.

Dù vậy, BA.5 dường như ít gây triệu chứng nguy hiểm. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là do biến chủng mới lây lan hiệu quả ở đường hô hấp trên (mũi và họng) hơn là phổi, ít gây ra các ca tử vong so với giai đoạn trước của đại dịch.

Các chuyên gia chưa kết luận về triệu chứng đặc trưng của BA.5. Tuy nhiên, họ cho rằng biểu hiện của người bệnh sẽ giống với các chủng Covid-19 trước đó, bao gồm ngạt mũi, đau nhức cơ thể, đau họng, hắt hơi, đau đầu, ho, mệt mỏi.

Tác động đến vaccine và phương pháp điều trị

Thông thường, hiệu quả phòng bệnh của vaccine giảm dần theo thời gian, có nghĩa "không ai được bảo vệ hoàn toàn trước BA.5", chuyên gia virus Alex Sigal, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sigal, Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi, nhận định. Người dân vẫn có thể nhiễm virus dù đã tiêm phòng, điều này sẽ xảy ra thường xuyên hơn so với các biến chủng trong quá khứ.

Các biến chủng phụ mới cũng có thể làm giảm hiệu quả của liệu pháp kháng thể đơn dòng. Liệu pháp này sử dụng các protein từ kháng thể ngừa Covid-19 do phòng thí nghiệm tạo ra. Các protein này thường dựa trên chủng nCoV trước đó.

"Hầu hết các kháng thể đó đã lỗi thời. Hiện nay, chỉ có liệu pháp từ hãng dược Eli Lilly được phát triển đặc biệt chống lại Omicron. Dù vậy, các phương pháp điều trị khác như thuốc kháng virus Paxlovid vẫn giúp giảm thiểu triệu chứng nghiêm trọng", giáo sư Bieniasz nhận định.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, cho biết các nước đã có kinh nghiệm trong các đợt phòng chống dịch, nên việc BA.5 xuất hiện không đáng lo ngại.

"Chúng ta cần đánh giá đúng nguy cơ, mức độ đến đâu đáp ứng đến đó. Tránh hiện tượng đánh giá thấp, ảnh hưởng kết quả chống dịch hoặc ngược lại, đánh giá trầm trọng, dẫn đến cấm đoán làm ảnh hưởng kinh tế, đời sống", ông Phu nói, thêm rằng người dân nên đi tiêm các mũi nhắc lại theo khuyến cáo.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới