Bốn bệnh nhân Covid-19 ghép phổi thành công

Theo VnExpress 20/05/2020 - Y tế 24h
Bốn bệnh nhân Covid-19 nặng, đều ở Trung Quốc, đã được ghép phổi và đang trong quá trình hồi phục, phổi mới tương thích với cơ thể.

Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên trên thế giới được ghép phổi là người đàn ông 59 tuổi. Ca phẫu thuật diễn ra tại Bệnh viện Nhân dân Thành phố Vô Tích hôm 29/2. Người này được xác định nhiễm nCoV ngày 26/1, phải đặt nội khí quản và can thiệp ECMO (hệ thống oxy ngoài cơ thể). Sau đó bệnh nhân xét nghiệm âm tính nCoV, song chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng, tổn thương không thể phục hồi.

Trong ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ, bác sĩ Chen Jingyu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Thành phố Vô Tích đã ghép hai lá phổi cho bệnh nhân. Phổi hiến lấy từ một người chết não, được chuyển đến thành phố Vô Tích qua đường sắt cao tốc.

Theo bác sĩ Chen, ca phẫu thuật cấy ghép cho người mắc Covid-19 chỉ xảy ra dưới một số điều kiện y tế nhất định. Cuộc sống bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy ECMO, tình trạng suy hô hấp ở cả hai phổi, là không thể cứu chữa. Người bệnh phải liên tục xét nghiệm âm tính nCoV, chức năng của các cơ quan khác bình thường, đủ để sống sót qua ca phẫu thuật ghép.

"Ca phẫu thuật ghép rất rủi ro. Các nhân viên y tế phải làm việc trong phòng áp lực âm, mặc đồ bảo hộ. Đây là thách thức về cả tâm lý và thể chất", bác sĩ Chen nhấn mạnh.

Sau ghép, sức khỏe của bệnh nhân đã bình thường, phổi mới cũng tương thích với cơ thể và hoạt động tốt.

Ảnh minh họa
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Chiết Giang ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 66 tuổi ngày 1/3. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Chiết Giang

Ca ghép phổi thứ hai diễn ra ngày 1/3, nữ bệnh nhân 66 tuổi, tại Bệnh viện Liên kế Số 1, Đại học Y khoa Chiết Giang. Người phụ nữ được xác định nhiễm nCoV ngày 31/2, phải đặt nội khí quản và thở ECMO. Bà xét nghiệm âm tính virus, song phổi vẫn rối loạn chức năng, không thể trở lại bình thường, cần phải thay phổi mới có cơ hội sống.

Phổi được hiến tặng từ một người chết não tại tỉnh Hồ Nam, vận chuyển về tỉnh Chiết Giang bằng đường hàng không. Sau ca ghép, bác sĩ Liang Tingbo, giám đốc bệnh viện xác nhận tình trạng bệnh nhân ổn định, phổi trao đổi khí tốt.

Ca phẫu thuật ghép phổi thứ ba diễn ra ngày 20/4, tại Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán. Bệnh nhân Cui An, 65 tuổi, được chẩn đoán nhiễm nCoV ngày 7/2. Tình trạng sức khỏe của ông xấu đi nhanh chóng. Ngày 17/2, bác sĩ phải đặt nội khí quản do lượng oxy trong máu bệnh nhân quá thấp. Hôm sau, bệnh nhân nguy kịch, can thiệp ECMO.

Hơn một tháng sống nhờ hệ thống tim phổi nhân tạo, tình trạng bệnh nhân không tiến triển. Giống với người bệnh 59 tuổi ở thành phố Vô Tích, xét nghiệm axit nucleic của ông nhiều lần cho kết quả âm tính, tuy nhiên các tổn thương như xơ phổi là vĩnh viễn. Tình trạng này dẫn đến suy hô hấp, bệnh nhân ở ranh giới sinh tử. 

Ảnh minh họa
Bác sĩ tại Bệnh viện Renmin, Đại học Vũ Hán, ghép phổi thành công cho bệnh nhân Cui An ngày 20/4. Ảnh: Youth.cn

Bác sĩ quyết định tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân. Phổi hiến là của một người chết não, qua đời hôm 20/4. Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ trong buồng áp lực âm để ngăn ngừa nCoV lây lan. Đến ngày 22/4, bệnh nhân được ngưng can thiệp ECMO, lần đầu tiên sau hơn hai tháng.

Một tuần tiếp theo, bệnh nhân tỉnh táo, có thể tự hô hấp mà không cần đến máy trợ thở. Ông khỏi Covid-19 sau thời gian dài nằm liệt giường.

Phó giáo sư Li Guang, thuộc khoa chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Renmin, thừa nhận bệnh nhân còn chặng đường dài phía trước để hồi phục chức năng, song phổi mới đã tương thích với cơ thể.

Ảnh minh họa
Bác sĩ tại Bệnh viện Union, Đại học Y khoa Tongji, phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân 54 tuổi ngày 24/4. Ảnh: China Daily

Ngày 24/4, các bác sĩ tại Bệnh viện Union, Đại học Y khoa Tongji, Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, Vũ Hán, tiến hành ghép hai lá phổi cho nam bệnh nhân 54 tuổi.

Bệnh nhân này được xác định dương tính nCoV hồi tháng 1, triệu chứng bao gồm đau nhức cơ thể, mệt mỏi và sốt. Bác sĩ đã đặt nội khí quản, bệnh nhân thở ECMO. Người bệnh cũng được điều trị bằng nhiều hình thức bao gồm thuốc kháng virus, chống nhiễm trùng, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp huyết tương.

Khi xét nghiệm âm tính nCoV, ông vẫn bị suy phổi và xơ phổi kẽ. Tình trạng này xảy ra khi cơ quan bị tổn thương nghiêm trọng, các túi khí (phế nang) hóa sẹo, dày lên khiến oxy khó trao đổi.

Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 6 giờ. Hiện sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tích cực. Ông có thể giao tiếp được bằng cách ra hiệu, các chỉ số sinh tồn ổn định. Phổi được ghép cũng tương thích và hoạt động tốt.

Việt Nam cũng đang xem xét phương án ghép phổi cho "bệnh nhân 91", một phi công người Anh, nhập viện ngày 18/3.  Hiện, người bệnh không thể tách rời thiết bị ECMO. Trong 10 ngày gần đây, bệnh nhân  xét nghiệm 5 lần, kết quả đều âm tính nCoV.

Thục Linh (Theo CGTN, China Daily)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Y tế 24h - 16/04/2024

Quận Hoàn Kiếm khám bệnh miễn phí cho hơn 500 người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Y tế 24h - 16/04/2024

Hi hữu phát hiện cụ bà có 2 bàng quang

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Y tế 24h - 16/04/2024

Bóc tách thành công khối u buồng trứng 10kg cho cô gái 19 tuổi

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới