Để sớm giảm cân, đạt thân hình như ý muốn, nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ thay vì lựa chọn luyện tập thể dục, thể thao, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, lại tìm mua các sản phẩm quảng cáo giảm cân cấp tốc. Và đã có không ít người phải nhập viện vì các loại sản phẩm đó.
Mới đây, một phụ nữ 37 tuổi ở Hà Nội suýt tử vong vì uống cà-phê giảm cân. Nạn nhân này được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, sùi bọt mép, tiểu tiện không tự chủ. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị tổn thương não.
Được cấp cứu kịp thời, may mắn thoát án tử, tuy nhiên các bác sĩ cho biết cần thời gian để xác định có để lại di chứng nào hay không. Chị này kể lại, do cơ thể tăng cân nhanh sau khi sinh con thứ ba, được giới thiệu loại cà-phê giảm cân rất hiệu quả, uống một tuần có thể giảm được 4kg cho nên đã mua một hộp (30 gói) với giá 550 nghìn đồng, mỗi sáng uống một gói. Ban đầu, cảm giác uống cà-phê rất thơm ngon. Tuy nhiên, tới ngày thứ tư, sau khi uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước; thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh... may thay gia đình đã kịp đưa chị đi cấp cứu.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kết quả giám định mẫu cà-phê Hoàng Gia mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất cấm nguy hiểm. Hai tuần sau, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay trong mẫu kiểm nghiệm cà-phê Hoàng Gia do cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế lấy tại Công ty cổ phần dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát cho thấy, ngoài sibutramine, sản phẩm còn có chất cấm phenolphtalein. Cơ quan này trước đó cũng yêu cầu thu hồi sản phẩm thực phẩm bổ sung cà-phê Hoàng Gia vì không bảo đảm an toàn.
Ngoài trường hợp người bệnh nêu trên, việc sử dụng thuốc giảm cân bừa bãi khiến không ít người gặp họa, như nữ bệnh nhân 43 tuổi ở Quảng Ninh phải cắt bỏ dạ dày, thực quản chỉ vì uống thuốc giảm cân. Người bệnh này đã mua trên mạng hai lọ thuốc giảm cân được quảng cáo 100% từ thảo dược về sử dụng. Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 70kg, chị giảm 35kg chỉ trong hai tháng, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng. Được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, chị phải phẫu thuật năm giờ đồng hồ, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, thực quản ngực, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau mổ, bệnh nhân phải điều trị nội trú tới ba tháng với chi phí rất lớn.
Bệnh viện Bình Dân (thành phố Hồ Chí Minh) cũng từng tiếp nhận, cấp cứu một số trường hợp dùng sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, điểm chung của các sản phẩm giảm cân này là làm lợi tiểu gây ra tình trạng mất nước dẫn tới sụt cân nhanh để đánh đúng tâm lý muốn giảm cân "thần tốc" của người dùng. Nhưng nguy hiểm là có một số loại sản phẩm giảm cân làm tăng nguy cơ tai biến, huyết áp... nhất là các độc tính có trong sản phẩm đã phá hủy cầu thận không thể phục hồi.
Gõ từ khóa "trà giảm cân" trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,8 giây đã cho 52 triệu kết quả; với từ khóa "cà-phê giảm cân", con số này là 21,6 triệu trong 0,44 giây cho thấy nhu cầu tìm kiếm của người tiêu dùng về các loại mặt hàng này là rất lớn. Không chỉ cà-phê, trà, trên thị trường hiện xuất hiện nhiều loại sản phẩm giảm cân như bột, viên giảm cân, thậm chí tinh dầu với những lời quảng cáo rất "bùi tai", đánh thẳng vào tâm lý muốn nhanh gọn, hiệu quả, không tốn thời gian, công sức của chị em, như: "giảm 5-7kg chỉ trong một tuần", "giảm cân siêu tốc, đơn giản", "giảm cân không tốn mồ hôi"... Ngoài ra, mức giá rẻ, cách dùng tiện lợi cũng khiến nhiều người sẵn sàng mua hàng mà không kiểm tra sản phẩm đó có đủ uy tín hay không.
Đầu năm 2022, trong bối cảnh cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm chủ yếu thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân (chứa phenolphtalein, sibutramine), xương khớp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn đề nghị các địa phương triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2022. Cục đề nghị sở y tế, ban quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm để kiểm nghiệm, ưu tiên lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ thuộc nhóm hỗ trợ giảm cân, sinh lý, xương khớp, tiểu đường...
Theo các bác sĩ, giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài và liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể, cho nên người tiêu dùng nên hết sức cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo giảm cân siêu tốc.
Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nêu rõ, một trong những thành phần được ưa chuộng sử dụng trong sản phẩm giảm cân là các thành phần lợi tiểu. Điều này sẽ làm tăng bài tiết nước tiểu khiến người dùng mất nước, kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể từ đó xuống cân. Các bác sĩ cũng lưu ý, giảm cân bằng thuốc giảm cân không phải là biện pháp bền vững. Khi người dùng dừng uống thuốc thì cân nặng lại quay về như cũ. Chưa kể, người dùng có thể đối mặt với nhiều tác dụng phụ do mất nước, buồn nôn, chóng mặt...
Hiện nay, việc giảm cân không khó, nhưng đòi hỏi người muốn giảm cân phải kiên trì và nắm được các phương pháp giảm cân khoa học, hiệu quả và an toàn. Trước hết, cần xác định rõ tình trạng sức khỏe và mục tiêu giảm cân của bản thân dựa vào đặc điểm lứa tuổi, giới tính, tình trạng béo phì và bệnh lý nền.
Để giảm cân an toàn, Tiến sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo người dân chỉ nên giảm 10% số cân nặng trong tám tuần. Nghĩa là nếu cơ thể nặng 70 cân, thì trong hai tháng chỉ nên giảm 7 cân.
Các bác sĩ cũng lưu ý người dân cần thực hiện năm nguyên tắc giảm cân và ba bước giảm cân quan trọng. Năm nguyên tắc giảm cân gồm: giảm khối mỡ, không được giảm khối cơ, xương và nước; hình thành thói quen ăn uống tốt và lối sống lành mạnh, ngăn ngừa yếu tố nguy cơ và tái phát; kết hợp giữa tăng tiêu hao năng lượng qua vận động và giảm cung cấp năng lượng; sử dụng thuốc điều trị giảm cân khi có chỉ định; kết hợp điều trị yếu tố nguy cơ kèm theo nếu có. Ba bước giảm cân gồm: tăng cường các hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng hằng ngày như đi bộ, làm việc nhà, chơi thể thao, tập thể dục; kiểm soát năng lượng khẩu phần bằng cách ăn chế độ đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế các thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhiều đường, nhiều mỡ, thực phẩm chiên rán, nước ngọt...; duy trì chế độ ăn và luyện tập hằng ngày.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) khuyến cáo, đối với người dân, nhất là đối với các chị em phụ nữ, không nên vì muốn giảm cân nhanh mà dùng các loại thuốc, trà không rõ nguồn gốc, thành phần, xuất xứ. Nếu thật sự cần thiết phải giảm cân, nên tới gặp và nghe theo chỉ định, tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để bảo đảm sức khỏe. Không nên tin lời quảng cáo, giới thiệu giảm cân nhanh chóng, thần tốc để rồi rước họa vào thân.