Covid-19 ngày 16/3: Ít nhất 210 người tiếp xúc bệnh nhân 54 người Latvia
Có hơn 40 người tiếp xúc bệnh nhân 54, Phú Quốc tạm đóng cửa chợ đêm
Tối 15/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang làm việc khẩn cấp với UBND huyện Phú Quốc và các cơ quan chức năng đến khuya để rà soát số người tiếp xúc với bệnh nhân 54 để có biện pháp cách ly, khử trùng những nơi du khách Latvia lưu trú, đi lại ở Phú Quốc từ 9-13/3.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc cho biết đã rà soát được 210 người tiếp xúc với bệnh nhân 54 trên chuyến bay QH1521 từ TP.HCM đến Phú Quốc chiều 9/3 và chuyến bay QH1524 từ Phú Quốc về TP.HCM lúc 21h22 ngày 13/3.
Trong đó, có 85 người trên chuyến bay QH1521, 81 người trên chuyến bay QH1524, 32 người tại khách sạn ở Phú Quốc và 12 nhân viên sân bay, công an cửa khẩu.
Tại cuộc họp, Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Mai Văn Huỳnh đề nghị tỉnh tạm ngưng việc tiếp nhận người nước ngoài ra đảo, chuẩn bị ngay bệnh viện dã chiến có sức chứa 1.000 người.
Lãnh đạo huyện Phú Quốc cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động chợ đêm, các cơ sở karaoke, massage,… để kiểm soát dịch bệnh. Từ 16/3, toàn bộ học sinh trên đảo được nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Quảng Trị dừng đón khách tham quan di tích, khu du lịch
Ngày 16/3, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã ký Công văn hỏa tốc gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tạm dừng hoạt động đón tiếp khách du lịch tại các di tích, khu, điểm du lịch.
Cụ thể, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, tỉnh Quảng Trị tạm dừng hoạt động đón tiếp khách du lịch, tham quan tại các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ 7h ngày 18/3 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản hỏa tốc cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tiếp tục nghỉ học từ ngày 16/3 đến 23/3.
Bình Thuận: 81/82 mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính
Zing.vn dẫn thông tin từ Sở Y tế Bình Thuận cho biết, trong 82 mẫu bệnh phẩm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật gửi Viện Pasteur Nha Trang ngày 14/3, có một mẫu dương tính với SARS-CoV-2. 81 mẫu còn lại cho kết quả âm tính. Đây là mẫu thử lần thứ hai đối với bệnh nhân đã dương tính với SARS-CoV-2 trước đó. Như vậy, tỉnh Bình Thuận có 9 bệnh nhân dương tính với Covid-19, không phải 10 ca.
Khu lưu trú đảo Tuần Châu là nơi cách ly người Việt từ châu Âu về
Quảng Ninh đã sẵn sàng đón các chuyến bay từ châu Âu đưa người Việt Nam về nước trong dịp này. Hiện tại, các điểm được xác định tổ chức cách ly khi đón người từ những chuyến bay này về nước đã được bố trí chu đáo, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như các điều kiện môi trường tốt nhất.
Một số cơ sở lưu trú tại đảo Tuần Châu và khu nhà nghỉ tại Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ Nguyễn Văn Cừ - đây là cơ sở đào tạo tỉnh vừa đầu tư mới với quy mô lớn, khang trang, hiện đại nằm biệt lập với khu dân cư.
Tính từ thời điểm khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1/2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón và thực hiện cách ly tập trung 2.302 người; cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế 422 người. Đáng chú ý, do là địa bàn có cửa khẩu quốc tế với nước bạn Trung Quốc và có sân bay quốc tế Vân Đồn nên được Chính phủ chỉ định đón các chuyến bay đưa người Việt từ một số nước là tâm dịch trở về như Trung Quốc, Hàn Quốc nên trong số hàng nghìn trường hợp thực hiện cách ly, tỷ lệ người tỉnh ngoài rất lớn.
Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân Covid-19, nếu là người Việt Nam cũng được miễn phí toàn bộ. Cùng chung tay với các cấp chính quyền và ngành chức năng, nhiều người dân và doanh nghiệp đã tham gia tích cực, như ở TP Móng Cái, đội ngũ giáo viên trong thời gian học sinh nghỉ học đã tham gia nấu cơm cho các điểm cách ly và chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú tình nguyện sử dụng khách sạn làm điểm cách ly tập trung.
Còn tại TP Hạ Long, chủ một khách sạn 4 sao gồm 120 phòng đã xin được ủng hộ toàn bộ chi phí phục vụ trong thời gian được tỉnh trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định, không có việc “phong tỏa” Bệnh viện Lao và Phổi. Theo đó, tại Bệnh viện Lao và Phổi hiện nay được đặt Bệnh viện cách ly số 2, thu dung, điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm, nhiễm Covid-19. Do vậy, 2 cơ sở này có cùng lối đi, cùng khuôn viên.
Từ đêm 13/3, Bệnh viện số 2 bắt đầu cách ly, thu dung, điều trị trường hợp nhiễm Covid đầu tiên là chị N.T.T.T, là ca bệnh số 52 của Việt Nam. Để kiểm soát tối đa công tác tác phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh tạm thời ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị kể từ ngày 14/3.
Lai Châu: Thành lập chốt kiểm soát để phòng chống dịch Covid-19
Theo đó, ngày 15/3 UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành văn bản về việc thành lập chốt kiểm soát liên ngành tạm thời để phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thành lập 2 Chốt kiểm soát liên ngành tạm thời để phòng chồng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Chốt kiểm soát số 1 tại Ngã ba liên ngành, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Chốt kiểm soát số 2 tại bản Ngã Ba, xã Mường Kim, huyện Than Uyên. Cán bộ Sở Y tế làm Chốt trưởng; cán bộ Công an tỉnh làm Chốt phó. Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện: Tam Đường, Than Uyên; UBND xã: Sơn Bình, Mường Kim bố trí thành viên tham gia. Các chốt hoạt động liên tục 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần; 3 ca/ngày, thời gian hoạt động kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, việc kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn phát tán dịch bệnh Covid-19; kiểm tra sự chấp hành phòng, chống dịch bệnh và xử lý y tế (kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử trùng phương tiện khi cần thiết...). Đồng thời, theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, các trường hợp có yếu tố dịch tễ về Covid-19 để triển khai thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định. Các chốt kiểm soát được phép lập Barie, biển thông báo và được phép dừng các loại phương tiện tham gia giao thông ra, vào địa bàn tỉnh để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động lái xe, phụ xe, người phục vụ và hành khách tham gia giao thông các quy định của tỉnh về biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để mọi người đồng thuận, hợp tác, chấp hành. Sở cũng chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đo nhiệt độ hành khách trước khi lên xe, hành khách khai báo y tế trung thực, đầy đủ thông tin theo mẫu của Sở Y tế để nhà xe xuất trình tại các Chốt kiểm soát Covid- 19.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và bố trí phương tiện đón các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cách ly tập trung về cơ sở cách ly tập trung của tỉnh khi được đề nghị.
Tin tức Covid-19 ngày 16/3 tại Việt Nam: 57 ca dương tính, hơn 100 ca nghi nhiễm
Đến sáng 16/3, Việt Nam vẫn đang ghi nhận 57 ca dương tính với Covid-19 và theo dõi hơn 100 ca nghi nhiễm.
4 ca dương tính mới nhất gồm: Bệnh nhân 54 là nam, sinh năm 1987, khách du lịch quốc tịch Latvia, đã ở TP.HCM, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 16h ngày 14/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt, tự đi khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.
Ca bệnh số 55 là nam, 35 tuổi, quốc tịch Đức. Bệnh nhân là hành khách trên chuyến bay VN0018 từ Pháp về Nội Bài sáng ngày 14/3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tổ chức sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh số 56 là nam, 30 tuổi, quốc tịch Anh. Bệnh nhân hành khách trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài lúc 5h30 sáng 9/3. Sau khi nhập cảnh vào Hà Nội bệnh nhân gặp thêm 2 người bạn nữa (cũng nhập cảnh vào Hà Nội nhưng khác chuyến bay) để đi du lịch cùng nhau, cả hai đều nữ quốc tịch Anh, một người 28 tuổi và một người 24 tuổi. Bệnh nhân được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh số 57 là nam giới, 66 tuổi, quốc tịch Anh, bay tới Hà Nội từ London trên chuyến bay VN0054 ngày 9/3/2020 (cùng chuyến bay với BN46 là tiếp viên của Vietnam Airlines). Bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại Quảng Nam.
Bên cạnh đó, có 102 trường hợp nghi nhiễm đang theo dõi, cách ly trong đó: số mới trong ngày: 83, số cũ đang theo dõi: 19). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 29.929 (trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 2.784; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.320; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 21.825). Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 7.515 (số mẫu dương tính: 53, số mẫu âm tính: 7.462).
Số mắc và tử vong vì bệnh COVID-19 ở các nước đã vượt Trung Quốc
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến 7h30 ngày 16/3, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đã có một cột mốc mới khi lần đầu tiên số người mắc và tử vong vì bệnh này ở các nước ngoài Trung Quốc đã vượt Trung Quốc.
Đến nay, tổng số trường hợp mắc bệnh Covid-19 trên toàn thế giới là 169.368 người, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 80.847 người, 156 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc có số trường hợp mắc bệnh là 88.521 người.
Tổng số trường hợp tử vong do bệnh Covid-19 trên toàn thế giới là 6.501 trường hợp, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 3.199 trường hợp, còn số trường hợp tử vong ở 156 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc là 3.302 người.
Tại Việt Nam, tính đến nay đã ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện, các trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện.
Italy có số ca tử vong kỷ lục trong ngày vì Covid-19
Ngày 15/3, số ca tử vong vì nhiễm Covid-19 ở Italy nhảy vọt lên 1.809 trường hợp, tăng 368 người chỉ trong một ngày. Con số này cao hơn cả ngày chết chóc nhất ở Hồ Bắc của Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh dịch là 254 ca tử vong ghi nhận trong ngày 12/2.
Tính đến ngày 16/3, tổng số bệnh nhân dương tính ở nước này đã lên đến 24.747 trường hợp. Quốc gia Nam Âu cũng đồng thời là nước có số ca nhiễm và ca tử vong cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc đại lục.
Tỷ lệ tử vong vì nhiễm virus ở Italy lên đến gần 8%, cao hơn nhiều so với con số 2-4% được ghi nhận tại tâm dịch Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh từ tháng 12/2019.
Vùng Lombardy ở phía bắc là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 1.218 ca tử vong, trong đó 252 bệnh nhân được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.
Tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số Italy cao nhất châu Âu, với gần 1/4 dân số trên 65 tuổi. Đây cũng là nhóm có rủi ro tử vong cao nhất đối với Covid-19.
Đức đóng cửa biên giới trên bộ với 5 nước
Ngày 15/3, Đức đã tuyên bố đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ, khu vực tiếp giáp với các nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch và Luxembourg, theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer.
Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Đức - đã ghi nhận đến 4.838 ca dương tính với Covid-19 và 12 trường hợp tử vong. Mức tăng ca nhiễm trong vòng 24 giờ lên đến 1.043.
Các biện pháp hạn chế đi lại tại biên giới không áp dụng đối với người đi làm phải qua lại biên giới, cũng như lưu thông hàng hóa giữa Đức và các nước láng giềng.
Chính phủ Đức đồng thời ra lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ y tế như khẩu trang, găng tay và trang phục chuyên dụng cho nhân viên y tế.
Trường phổ thông và trường mẫu giáo trên toàn quốc tiếp tục đóng cửa đến sau lễ Phục sinh vào tháng 4. Hamburg, Berlin và Cologne ra lệnh đóng cửa tất cả quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà hát để hạn chế tụ tập đông người.
Trước đó, chính phủ Đức đã cấm tổ chức các sự kiện có hơn 1.000 người tham gia.
Pháp chuẩn bị "bán phong tỏa" toàn quốc
Theo Reuters, chính phủ Pháp đang chuẩn bị sắc lệnh "bán phong tỏa" toàn quốc nhằm ứng phó dịch bệnh. Động thái này sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội đối với khoảng 66 triệu dân.
Giới chức Pháp lo ngại người dân chưa nhận thức nghiêm túc về tình hình dịch bệnh và các cảnh báo lây nhiễm. Tính đến ngày 15/3, Pháp đã ghi nhận 127 ca tử vong và 5.423 bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Nguồn tin của Reuters cho biết biện pháp giới nghiêm này sẽ có hiệu lực từ giữa đêm 17/3. Trước đó, Pháp từ ngày 15/3 bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội cứng rắn nhằm kéo phẳng đường cong phát triển của dịch bệnh.
Mọi cơ sở kinh doanh các mặt hang không thiết yếu buộc phải đóng cửa, trừ nhà thuốc và siêu thị. Các địa điểm vui chơi giải trí và tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và sân vận động thể thao dừng hoạt động.
Thủ tướng Edourad Philippe đã kêu gọi người dân "hy sinh" khi thay đổi thói quen sinh hoạt để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, người dân trong ngày 15/4 vẫn tiếp tục sinh hoạt tại các công viên, bờ sông và địa điểm công cộng tại nhiều thành phố lớn từ Paris đến Marseille.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 16/3 của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 162.000 người, với ít nhất 6.065 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên mọi châu lục.
Nhóm PV
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ