Cứu được bệnh nhân chỉ còn 0,01% cơ hội sống
20 ngày trước, ông Nguyễn Trường Lưu đi xe máy từ Hà Nội về Thái Nguyên. Về đến nhà, ông Lưu đau ngực, vã mồ hôi, cơn kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Gia đình đã đưa ông Lưu đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Vừa đến phòng cấp cứu, ông đột ngột xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn.
Các các bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu lập tức hồi sức tim phổi, hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân được tiêm Adrenalin và ép tim liên tục trong gần 30 phút nhưng vẫn không có mạch. Trưởng tua trực, bác sĩ Nguyễn Tá Tâm lập tức gọi điện xin tham vấn chuyên môn từ các chuyên gia Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả trao đổi, các bác sĩ nhận định ông Lưu có khả năng bị ngừng tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân được tiếp tục vừa ép tim vừa sử dụng thuốc tiêu huyết khối. 5 phút sau, dấu hiệu sinh tồn lác đác xuất hiện, bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại.
Song, nhịp tim ông Lưu có sự rối loạn nặng, xuất hiện các cơn rung thất liên tục. Các bác sĩ của hai bệnh viện hội chẩn liên tục. Theo quy định, sau 4-5 lần sốc điện và 60 phút ép tim mà không có dấu hiệu sinh tồn thì có thể dừng. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn kiên trì hồi sức tim phổi, đến phát sốc điện thứ 15, những nỗ lực cấp cứu được đền đáp, rối loạn nhịp thất nguy hiểm đã qua.
Các bác sĩ Viện Tim mạch Bạch Mai sau đó đã mời thêm các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 để hội chẩn liên viện. Nhận định đây là một trường hợp rất nặng, bệnh nhân tuy đã có huyết động nhưng cần được hồi sức tích cực, can thiệp chụp động mạch vành cấp cứu. Các chuyên gia quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
Tại Hà Nội, hệ thống tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch được khởi động, thậm chí cả hệ thống ECMO cũng đã sẵn sàng.
Xe cứu thương vượt khoảng 100 km đến cổng khóa Cấp cứu A9, bệnh nhân được tiếp nhận ngay và đánh giá các chỉ số sinh tồn. Nhịp tim của bệnh nhân rối loạn nặng, kết quả chụp động mạch thì vẫn hẹp 99% động mạch vành phải.
"Nếu không được đặt stent ngay thì bệnh nhân sẽ tử vong", Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch, nói.
Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp đặt một stent. Mọi thao tác được diễn ra chính xác, cẩn trọng và có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, do bị ngừng tuần hoàn quá lâu dẫn đến bệnh nhân xuất hiện tình trạng toan chuyển hóa, suy thận tiến triển nhanh. Sau cuộc hội chẩn với chuyên gia hồi sức tích cực, bệnh nhân lại được chuyển tiếp lên khoa Hồi sức tích cực. Các bác sĩ cần mẫn từng giờ để theo dõi từng chỉ số, cân lên đặt xuống từng miligam thuốc, dịch truyền để duy trì được hô hấp, đảm bảo huyết động, lọc máu cho bệnh nhân.
Sau 7 ngày tích cực điều trị, các chỉ số về dần ngưỡng cơ bản, bệnh nhân được rút ống nội khí quản và không cần lọc máu. Bệnh nhân được chuyển đến phòng bệnh khác để tiếp tục điều trị, kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp, mạch vành...
Thoát khỏi tử thần, ngày 8/7, ông Lưu tỉnh táo, ngồi dậy nói lời cảm ơn đến các y bác sĩ đã giúp ông hồi sinh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư