Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Giành giật sự sống sau khi chào đời
Phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh, hở van ba lá mức độ nặng khi mới ở tuần 26 của thai kỳ qua siêu âm, ngay sau khi chào đời, bé N.M.Đ (12 ngày tuổi, ở Vĩnh Phúc) đã được chuyển về Khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cấp cứu, chờ can thiệp.
Theo TS.BS Trần Đắc Đại, Trưởng khoa Tim mạch trẻ em, bé Đ được xếp vào nhóm mắc tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc vào ống động mạch, khi van động mạch phổi teo sẽ gây tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu...
Do bệnh lý tiên lượng rất xấu nên nếu không được can thiệp sớm từ sau sinh, nguy cơ tử vong cao sau vài giờ chào đời.
"Bệnh nhi vừa sinh, còn rất nhỏ nên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Rất may mắn, dù bệnh nhi chỉ nặng 3,3kg nhưng màng van động mạch phổi mỏng, vòng van đủ lớn để các bác sĩ có thể thuận lợi tiến hành can thiệp", BS Đại cho hay.
Trước M, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cũng phẫu thuật cứu sống thành công một trẻ sơ sinh 11 ngày tuổi, chỉ nặng 2,3kg và mắc bệnh cửa sổ chủ phế.
BS Đỗ Anh Tiến, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em cho biết, cửa sổ chủ phế là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp (chiếm 0,5% trong số các bệnh lý tim bẩm sinh). Bệnh gây suy tim và nguy cơ tử vong cao.
Đây là một ca bệnh đặc biệt, đặt ra nhiều thách thức cho ê kíp, bởi lẽ bệnh nhi được phát hiện khi còn trong bào thai, khi sinh trẻ chỉ có 2,3kg.
Do vậy, phương án đầu tiên các bác sĩ nghĩ đến là dùng thuốc để điều trị, đợi khi bệnh nhi đủ điều kiện về mọi mặt mới tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, thể trạng của trẻ không đáp ứng thuốc, tình trạng suy tim nặng hơn.
Phương án phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách phải vá cửa sổ chủ phế được các bác sĩ cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện đã cứu trẻ thành công.
Phương án này giúp trẻ tránh được đại phẫu cưa xương ức, giúp trẻ phục hồi nhanh hơn.
"Trẻ mắc bệnh này thường đối mặt với nhiều biến chứng và dễ tử vong trước 15 tuổi. Nếu không phẫu thuật sớm, khoảng 40% trẻ tử vong trong năm đầu tiên", BS Tiến cho hay.
Bệnh lý nguy hiểm
Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm nước ta có khoảng 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có khoảng 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ, thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.
Đáng nói, bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ, trong đó có đến 50% trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Các nguyên nhân còn lại dẫn đến những bất thường về cấu trúc tim và mạch máu lớn ngay khi trẻ được sinh ra thường do gen di truyền hoặc do môi trường (nhiễm virus, nhiễm khuẩn, hóa chất, tia xạ, tia X, di truyền và việc sử dụng các loại thuốc)…
Theo BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dị tật tim bẩm sinh là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 20 tuần tuổi thai đến 1 năm sau sinh.
Tim bẩm sinh là bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất trong tháng đầu sau sinh, đặc biệt một số bệnh lý về tim nếu không được hồi sức cấp cứu ngay sau sinh sẽ không còn khả năng cứu sống trẻ.
Tăng cơ hội nếu can thiệp sớm
BS Trần Đắc Đại cho biết, đối với các bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, việc chẩn đoán được bệnh trong giai đoạn thai kỳ rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự sống của trẻ khi ra đời.
Hiện nay, siêu âm tim thai có thể chẩn đoán được loại bệnh tim bẩm sinh này và đánh giá được các yếu tố tiên lượng nhằm định hướng cho sản phụ kế hoạch kiểm soát thai kỳ một cách chủ động.
"Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, các bác sĩ đã có thể can thiệp ngay trong bào thai", BS Đại nói và khuyến cáo, các sản phụ nên được theo dõi suốt trong thai kỳ bởi bác sĩ tim mạch chuyên về bệnh tim bẩm sinh và bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm nhằm tầm soát hết những nguy cơ.
Trong trường hợp không may thai nhi gặp những bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích các nguy cơ của mẹ và thai nhi như tiên lượng bệnh, khả năng giữ thai, kế hoạch theo dõi thai bằng siêu âm; tư vấn sản phụ lựa chọn cơ sở y tế sinh có đủ điều kiện về chuyên môn giúp cấp cứu sơ sinh, sau đó chuyển ngay thai nhi đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để theo dõi và đưa ra phương án can thiệp kịp thời.
Theo BS Nguyễn Duy Ánh, các bệnh lý tim bẩm sinh hoàn toàn có thể phát hiện trong thai kỳ.
Nếu can thiệp sớm sẽ giúp nhiều em bé có sức khỏe tốt hơn khi chào đời. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh là khi thai từ 18 - 24 tuần.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cuu-tre-so-sinh-mac-benh-tim-thoat-cua-tu-19224102913315797.htm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?