Dạ dày 'đi lạc' lên ngực cụ bà
Bác sĩ chuyên khoa II La Văn Phú, trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ ngày 2/10 cho biết bà cụ nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau vùng thượng vị dữ dội, ăn vào khó thở kèm đau ngực, nôn ói nhiều. Người nhà cho biết tình trạng này đã diễn ra vài năm. Bà cụ thường đau sau khi ăn, uống thuốc và nằm nghỉ là đỡ nên gia đình không đưa đi khám.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy gần như toàn bộ dạ dày của bà cụ chui qua khe thực quản, nằm trong trung thất và lệch sang bên trái. Trong khi đó, vị trí đúng của dạ dày là trong ổ bụng, làm nhiệm vụ chứa đựng và tiêu hóa thức ăn. Dạ dày nằm nhầm chỗ lâu ngày chèn ép vào tim và phổi khiến bệnh nhân đau tức ngực, khó thở, nhất là lúc ăn no.
Bệnh nhân đã lớn tuổi nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi thay vì mổ hở, ngày 29/9. Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện bà cụ ngoài thoát vị khe thực quản còn có hai lỗ thoát vị hoành khác, gồm thoát vị cơ hoành trái (còn gọi là thoát vị hoành kiểu Bochdalek - mạc nối lớn dính) và thoát vị hoành sát sau xương ức (thoát vị hoành kiểu Morgagni).
Sau ba giờ phẫu thuật, ê kip đã đưa dạ dày và mạc nối lớn trở về ổ bụng, khâu đóng lại các lỗ thoát vị và tạo van chống trào ngược dạ dày - thực quản.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, ăn uống sinh hoạt gần như bình thường và có thể xuất viện trong tuần tới.
Theo bác sĩ Phú, thoát vị hoành là khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực thông qua bất kỳ khiếm khuyết nào của cơ hoành. Ở trẻ em, khuyết khuyết này có thể xảy ra khi mới chào đời, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh. Ở người lớn thường gặp thoát vị hoành mắc phải. Dù là thoát vị hoành nào, nếu dạng cấp tính, các tạng từ ổ bụng chạy lên khoang lồng ngực, chèn ép tim, phổi gây ảnh hưởng đến hô hấp và tuần hoàn đều cần phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng.
Bà cụ là một trường hợp thoát vị hoành khá nặng và hy hữu, theo bác sĩ Phú. Thông thường người lớn chỉ bị thoát vị thực quản do có chấn thương làm rách hoặc yếu cơ hoành. Riêng bệnh nhân này cùng lúc có ba lỗ thoát vị. Loại thoát vị hoành kiểu Bochdalek và Morgagni là bẩm sinh, ít gặp ở người lớn.
Thoát vị hoành ở người lớn rất khó phát hiện, các dấu hiệu thoát vị nhẹ ban đầu là khó thở và đau vùng thượng vị. Bệnh nhân nhịp tim nhanh, kể cả lúc nghỉ ngơi, làn da, màu môi hơi thâm tím. Trường hợp lỗ thoát vị hoành lớn, các tạng từ ổ bụng tràn vào lồng ngực, người bệnh khó thở dữ dội, đôi khi suy hô hấp và tử vong.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ