Ngày 7/7, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Số ca mắc SXH tại Đà Nẵng đang gia tăng từ tháng 4 và đã vượt ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2016-2020), hiện đang đạt số lượng ca cao nhất trong tháng 6 với 1.380 ca (tính từ ngày 1/1 đến 3/7).
Trong đó, ba địa bàn có số ca mắc SXH/100.000 dân cao hơn trung bình 5 năm gồm quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Đặc biệt, quận Liên Chiểu có tỷ lệ mắc SXH/100.000 dân năm 2022 cao nhất thành phố và cao gấp 3,56 lần so với trung bình 5 năm.
Hiện, Sở đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Các quận, huyện đã tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH, đặc biệt lưu ý các điểm, bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, nhà trọ/phòng trọ. Ngành y tế đã triển khai 4 đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác tại 3 địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Triển khai các đợt điều tra chủ động véc tơ tại các điểm nóng SXH, tại các điểm có nguy cơ bùng phát dịch, triển khai các biện pháp phòng chống SXH như tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng.
Ngành y tế Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng, chống bệnh SXH. Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay các cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời. Đặc biệt, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tập trung diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước có lăng quăng tập trung như lốp xe, khay quạt nước, các lọ hoa, thùng phuy…