Đề xuất Giám đốc bệnh viện có quyền tự chủ chi trả tiền lương, thu nhập

Theo Nhân dân 05:25 31/10/2019 - Y tế 24h
Đại biểu Bùi Thu Hằng, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình cho biết, để các bệnh viện công lập thực hiện được cơ chế tự chủ, có chính sách giữ chân người tài, cần trao quyền tự chủ trong chi trả tiền lương, thu nhập cho Giám đốc bệnh viện.
Đại biểu Bùi Thu Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
Đại biểu Bùi Thu Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Đến năm 2018, đã có 100% bệnh viện công thực hiện cơ chế tự chủ ở các mức độ khác nhau, trong đó 0,4% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 27% bệnh viện tự bảo đảm chi thường xuyên và 68% bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, chỉ còn 4,6% bệnh viện thuộc nhóm nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Nhiều khó khăn trong tự chủ bệnh viện

Năm 2019, Chính phủ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc bốn bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập đã đạt được nhiều kết quả. Số lượng các bệnh viện tự chủ tăng dần qua các năm, kinh phí ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên giảm dần, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho y tế thông qua hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Thực hiện cơ chế tự chủ giúp các bệnh viện chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp, tổ chức bộ máy sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế tự chủ khuyến khích bệnh viện sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các quỹ và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Theo đại biểu Bùi Thu Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập trong vấn đề tự chủ tại các bệnh viện công lập. Các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sĩ giỏi và có năng lực.

“Việc thực hiện tự chủ đối với bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. Nhiều bệnh viện khi thực hiện tự chủ có số thu không đủ chi lương và các chế độ cho cán bộ, viên chức. Mặt khác, chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, chính sách thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ giỏi về công tác tại các bệnh viện vùng núi, vùng khó khăn. Tại các vùng này, viên chức thu nhập thấp dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế từ bệnh viện công lập sang bệnh viện tư nhân hoặc lên các bệnh viện tuyến trên”, đại biểu Hằng phát biểu.

Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí các yếu tố như khấu hao tài sản, trang thiết bị, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý để bù đắp các khoản chi thường xuyên, trong đó chi các yếu tố chưa cấu thành trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Các bệnh viện đã tăng cường triển khai các dịch vụ xã hội hóa khám, chữa bệnh theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và tăng nguồn thu cho bệnh viện và có xu hướng lựa chọn các kỹ thuật có chênh lệch thu chi nhiều để sử dụng, tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng cho rằng, gần 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã tự chủ ở mức độ khác nhau, nhưng đang rất khó khăn trong vấn đề nhân sự, bởi vì chưa tự chủ thực sự, rất khó khăn trong biên chế, bổ nhiệm. “Hiện nay, các cán bộ ở bệnh viện tự chủ vẫn phải tham gia các kỳ thi công chức, viên chức thì mới được bổ nhiệm cho các chức vụ ở bệnh viện. Đây là một khó khăn”, đại biểu Tuấn cho hay.

Về khó khăn nữa của bệnh viện tự chủ, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, chỉ có 2/4 cấu thành giá nên làm ảnh hưởng đến quá trình cân đối thu - chi của bệnh viện tự chủ. Đặc biệt là tiền lương, tiền công của nhân viên y tế tính trong giá dịch vụ y tế thấp hơn mức lương cơ bản đang hiện hành.

Áp lực lớn trước việc giao dự toán chi bảo hiểm y tế

Từ năm 2019, các cơ sở khám, chữa bệnh được giao dự toán chi bảo hiểm y tế. Đây là một trong những áp lực lớn đối với các bệnh viện khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, việc giao chỉ tiêu chi bảo hiểm y tế cho các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tự chủ đã làm hạn chế, ngăn cản sự phát triển của bệnh viện. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm và làm ảnh hưởng đến chính sách chung của Chính phủ là bao phủ bảo hiểm đến toàn dân.

Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thu Hằng nhận định, việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngày càng cần thiết. Do đó, để hạn chế vượt dự toán chi trả bảo hiểm y tế được giao, các bệnh viện sẽ lựa chọn những ca bệnh dễ, chi phí thấp để điều trị, những ca bệnh khó, chi phí cao được chuyển lên tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, đồng thời không khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến huyện.

Do đó, đại biểu Hằng đề nghị, ngoài tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập, cần đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình chuyển từ ngân sách cho bệnh viện sang cấp ngân sách để hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm y tế, cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe.

“Chính phủ cần ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước, bảo đảm chi thường xuyên đối với các bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Có chính sách đủ mạnh để khuyến khích thu hút người có trình độ chuyên môn giỏi làm việc tại các bệnh viện ở những vùng này”, đại biểu Hằng phát biểu.

Để bảo đảm cho các bệnh viện tự chủ, đại biểu này cũng đề nghị Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 08 về hướng dẫn định mức biên chế trong các cơ sở y tế nhà nước đến nay không còn phù hợp.

“Cần nghiên cứu cơ chế chi trả tiền lương đối với các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Tôi đề xuất giao quyền tự chủ cho các Giám đốc bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, thu nhập để có thể khuyến khích và giữ được các bác sĩ giỏi và các cán bộ có năng lực”, đại biểu Hằng đề xuất.

                                                                                             THIÊN LAM - ẢNH: DUY LINH

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới