Dị tật cần can thiệp sớm ở trẻ để tránh nguy cơ vô sinh
Quan điểm “để trẻ lớn tự hoàn thiện” là sai lầm
Bé Hoàng Gia V. (3 tuổi, Hải Dương) được bố mẹ đưa tới BV Hữu nghị Việt Đức khám do gia đình kiểm tra không thấy bé có tinh hoàn bên trái. Kết quả siêu âm cho thấy, hình ảnh tinh hoàn trái nằm trong lỗ bẹn nông, kích thước 9x5mm.
Sau hội chẩn chuyên khoa, bé V. được các bác sĩ chẩn đoán tinh hoàn trái lạc chỗ và chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình mổ, các bác sĩ tiến hành giải phóng tinh hoàn trái khỏi tổ chức dây xơ ống bẹn, hạ tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn dưới bìu cho trẻ.
Bé V. là một trong số nhiều trẻ được phát hiện dị tật bẩm sinh và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Thị Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức, không ít trường hợp trẻ đến can thiệp rất muộn dù trước đó gia đình đã phát hiện bởi quan niệm “trẻ lớn lên sẽ tự hoàn thiện”.
BS. Hoa cho biết thêm, trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra.
Tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai.
Tinh hoàn “đi lạc” thường nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn gặp ở khoảng 3 - 4% trẻ khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi…
“Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện ngay sau sinh để có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm cho trẻ. Trẻ cần can thiệp trước 2 tuổi để khả năng sinh sản sau này không bị ảnh hưởng.
Để càng lâu thì nguy cơ mất cả chức năng sinh sản, sinh dục và có khả năng bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn do nằm lạc vị trí quá lâu. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn…”, BS. Hoa chia sẻ.
Nỗi lo trẻ nam “tiểu ngồi”
Đưa con trai đến thăm khám tại BV Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thị Hanh (Bắc Ninh) cho biết: “Ngay lần thay tã đầu tiên cho con, tôi đã nhận thấy tia nước tiểu của con bắn ra không bình thường. Lúc đó bác sĩ có cho biết, cháu có bất thường ở dương vật, lỗ tiểu lệch thấp bẩm sinh. Dị tật này có thể được xử lý nhưng cần chờ đến khi cháu lớn hơn mới phẫu thuật được”.
Với dị tật lỗ tiểu thấp, bệnh lý có thể gặp ở 1/300 trẻ trai, với hình thái bộ phận sinh dục của trẻ có bất thường, cha mẹ có thể phát hiện sớm. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại nghĩ là bệnh lý này khi trẻ lớn mới chữa được, khiến trẻ chậm có cơ hội được can thiệp.
Nếu không can thiệp sớm, dị tật này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Trẻ có thể bị mặc cảm, tự ti vì điểm khác biệt của mình, trẻ dễ bị bạn bè trêu chọc, ngại giao tiếp, ngại đi tiểu…
BS. Nguyễn Thị Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức
“Đến tuổi lên 3 vào mẫu giáo, con đã biết thắc mắc về sự khác biệt của con với các bạn cùng lớp mỗi khi đi vệ sinh. Chính vì vậy, gia đình quyết định cho con tới bệnh viện để can thiệp”, chị Hạnh cho hay.
Trường hợp như con chị Hanh không hiếm gặp. Có con vừa phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp, chị Nguyễn Hiền (Hà Nội) cho biết, ngay từ khi mới sinh con, bác sĩ sản khoa đã thông báo về tình trạng dị tật bộ phận sinh dục của bé nên gia đình cho đi khám sớm.
Tại BV Nhi Trung ương, bác sĩ đánh giá dị tật của bé ở thể nặng, lỗ tiểu ở gốc dương vật, phải chờ đến khi bé 2 tuổi mới thực hiện phẫu thuật được.
Theo BS. Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BV Nhi Trung ương, dị tật lỗ tiểu thấp là một bất thường về mặt giải phẫu của bộ phận sinh dục ở bé trai, bao gồm dương vật cong và lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu.
Nguyên nhân chủ yếu do bất thường trong quá trình hình thành bào thai. Lỗ tiểu thấp có thể dễ dàng quan sát được ngay sau khi sinh.
Dị tật lỗ tiểu thấp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể gây bất tiện đến các vấn đề liên quan sinh hoạt của trẻ. Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nhiều hay ít phụ thuộc vào thể dị tật mà trẻ mắc phải.
Ngoài ra, có một số trường hợp hẹp lỗ tiểu, tia nước tiểu nhỏ, thời gian tiểu tiện của trẻ sẽ kéo dài. Thậm chí, với trẻ có dị tật cong dương vật, nếu không can thiệp, việc sinh hoạt tình dục sau này sẽ gặp khó khăn.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử