Đôi tay ghép cứu cuộc đời chàng trai 18 tuổi
Trần Bằng Nam, 18 tuổi, nhìn đôi tay mới của mình như không chán, chia sẻ: "Ngày ngày nhìn ngắm đôi bàn tay này, của người khác nay được ghép vào tay mình, em không sợ mà cảm thấy rất vui. Đôi bàn tay này, em sẽ trân trọng suốt đời và luôn biết ơn người đã tặng cho em".
Ngày 11/11, gần hai tháng sau ca ghép, hai bàn tay Nam đã cử động nhẹ nhàng, đan được vào nhau.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đánh giá ca ghép chi thể cho Nam thành công, mở ra một tương lai mới cho em và cho các bệnh nhân như em, lẫn ngành ghép tạng Việt Nam. Tất cả bệnh nhân cụt chi, nhất là cụt cả hai tay, có thể hy vọng sẽ được hồi sinh nhờ ghép chi thể. Đây cũng là ca ghép chi thể thành công thứ hai ở Việt Nam.
Nam mất đôi bàn tay từ năm 15 tuổi, do nghịch dại nổ hóa chất. Năm ấy, khi tỉnh dậy với đôi bàn tay bị cắt cụt đến 1/2 cẳng tay, Nam ngơ ngác hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sao tay con phải cắt thế này?". Người mẹ không dám nói thật: "Bác sĩ cắt tay con để mang đi nuôi da, sau sẽ nối lại".
"Lúc đó nghe mẹ nói, em không còn sợ hãi và nuôi hy vọng tay mình sớm được nối lại", Nam kể lại, sau khi ca ghép chi thể thành công tại Bệnh viện 108 được công bố ngày 9/11.
Sau khi cắt tay, Nam nằm Bệnh viện Việt Đức năm ngày rồi về bệnh viện ở Thái Nguyên tập vật lý trị liệu một tháng mới về nhà. Cứ vài ngày, cậu bé lại hỏi mẹ về cánh tay "đang được nuôi cấy" của mình.
Bàn tay không còn, Nam nghỉ học. Sinh hoạt cá nhân, ăn uống... đều phải nhờ người giúp đỡ. Bạn bè, người thân đến thăm, theo thói quen Nam giơ hai bàn tay ra để chào, song nhiều lần hụt hẫng nhận ra không còn tay nữa.
Cậu bé dần khép mình, lúc nào cũng nghĩ đã thành gánh nặng của mọi người. Nửa năm sau, con trai quen dần với cuộc sống không còn hai tay, bố mẹ mới nói sự thật. Nam tuyệt vọng. Người mẹ luôn nhớ những bữa cơm đang được mẹ đút thức ăn, Nam bỗng đứng dậy đi ra ngoài, sau đó quay vào với mắt đỏ. Có những bữa cơm bị bỏ dở khi Nam lẳng lặng chạy lên phòng, đóng kín cửa.
Nam ở tuổi niên thiếu, nói rằng đã nhiều đêm thức trắng, nghĩ ngợi mông lung, chưa thể tin được mình sẽ sống cả đời như một người khuyết tật. Bữa cơm gia đình là thời điểm em thấy nặng nề nhất, chỉ muốn ăn thật nhanh rồi trở vào phòng. Nhiều lúc sợ đối mặt với bố mẹ, em cũng không muốn ăn.
"Do em nghịch dại thì mình em chịu. Nhưng vì con mà bố mẹ phải buồn, em đau lòng lắm", Nam chia sẻ.
Về sau, Nam quyết định phải tự động viên bản thân, lấy lại tinh thần để bố mẹ cũng vui lên. Em học cách tự làm mọi việc khi không có cánh tay, bắt đầu từ tập kẹp hai tay vào với nhau để giữ bàn chải đánh răng, tự mặc quần áo... Để ăn cơm, Nam nghĩ ra cách lấy băng dính đính thìa vào tay, tự xúc ăn.
Không đi học ở trường, Nam tự học tại nhà cùng một thầy giáo, cố gắng dùng cẳng tay gõ máy tính gõ. Dần dần, cậu thiếu niên làm được gần như hết mọi việc, không cần đến sự hỗ trợ của ai nữa. Thời gian tuyệt vọng cũng qua.
Ba năm sau, tin vui đến khi Bệnh viện 108 triển khai chương trình lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu các bệnh nhân. Nam được phẫu thuật ghép đồng thời cả hai cẳng tay. Trước lúc lên bàn mổ ghép, câu nói của bố tiếp thêm sức mạnh cho Nam: "Cố lên. Con là mặt trời của bố".
Ngày 16/9, ca ghép thành công. Nam trở thành người thứ hai được ghép chi thể thành công tại Bệnh viện 108. Ca ghép bàn tay đầu tiên trên thế giới từ người cho sống, cũng được thực hiện tại Bệnh viện 108 vào tháng 1/2020.
Tiến sĩ Hoàng, cho biết sau ca nối chi thể cho bệnh nhân, nguy cơ thải ghép rất lớn, nhất là trong những tuần đầu tiên. Thải ghép còn gọi là thải trừ trong ghép tạng, là một quá trình trong đó hệ thống miễn dịch của người nhận cấy ghép từ chối, tấn công phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép.
May mắn, sau hai tháng, vấn đề thải ghép với Nam được kiểm soát tốt. Nam vẫn tiếp tục dùng thuốc chống thải ghép. Hiện tại, tất cả vết thương đều đã liền sẹo, chi ghép sống tốt. Nam tập phục hồi chức năng tại bệnh viện để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Giáo sư Hoàng nhận định, khoảng một năm rưỡi nữa, cánh tay của Nam có thể phục hồi đến 70-80% so với chi lành và sẽ càng ngày càng tốt lên.
Nam là một trong 5 bệnh nhân nhận tạng hiến tặng từ một thanh niên chết não, ngày 16/9. Khi ấy, 12 bàn mổ cùng lúc được thiết lập để nhận và ghép tạng tại chỗ cho các bệnh nhân. Trong đó, hai phổi được ghép cho một bệnh nhân bị xơ phổi, gan ghép cho một bệnh nhân suy gan cấp. Hai thận được ghép cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Hai cẳng bàn tay ghép cho Nam. Cả 4 ca ghép tạng này được tiến hành tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Trái tim được ghép cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim giai đoạn cuối, tiến hành tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Đến nay sức khỏe những bệnh nhân ghép tạng đều ổn định, mới được bệnh viện công bố hôm 9/11.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ