Đừng để mất người thân vì ung thư gan mới đi khám
Đáng tiếc, phần lớn bệnh nhân vốn mắc viêm gan virus mạn tính nhưng chủ quan, không theo dõi điều trị.
Cả nhà mắc ung thư gan
Trong một lần đi khám sức khỏe, ông N.V.N. (60 tuổi Hà Nội) được bác sĩ thông báo nghi ngờ có khối u ở gan.
Sau thăm khám chuyên sâu tại Bệnh viện K, ông N. nhận kết quả mắc ung thư gan trên nền xơ gan, kết quả xét nghiệm có viêm gan virus B. May mắn được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu nên sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, duy trì điều trị, hiện bệnh nhân đã khỏe mạnh.
Với kết quả xét nghiệm cho thấy ông N. có viêm gan virus mạn tính, ông được bác sĩ lưu ý khuyên người nhà đi tầm soát ung thư gan.
Tiếp sau ông N., em trai ông tên N.V.H. cũng được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối và mất sau đó ít tháng. Hai năm sau ngày ông H. mất, con trai ông chỉ mới 34 tuổi cũng được chẩn đoán mắc ung thư gan với khối u kích thước khá lớn. Tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời, bệnh tiên lượng tốt.
Được biết, cả 3 bệnh nhân này đều bị ung thư gan trên nền xơ gan do viêm gan virus mãn tính.
BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, có thực trạng là nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B hoặc vừa mắc viêm gan, vừa có u gan. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan, các thành viên khác mới đi khám.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp bệnh nhân bị u gan khi mới 20 - 25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam.
Mới đây, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nữ thai phụ N.T.N. 39 tuổi (Tứ Kỳ, Hải Dương) đang mang thai ở tuần thứ 25 bị suy gan cấp, nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con.
Theo người nhà, bệnh nhân phát hiện mắc viêm gan B từ 10 năm trước nhưng vì nhiều lý do nên từ chối điều trị, khiến bệnh tiến triển âm thầm.
Cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan nặng, chức năng gan chỉ còn 32%, men gan tăng gần 50 lần và mức độ vàng da Billirubin tăng hơn 20 lần mức độ cho phép.
Các bác sĩ đã nỗ lực cao nhất, liên tục hội chẩn cùng bác sĩ sản khoa để đồng thời điều trị tình trạng suy gan cho mẹ và theo dõi chặt chẽ cho con.
Đến tuần thai thứ 31, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ, các bác sĩ can thiệp kịp thời và đỡ đẻ thành công một bé gái nặng 1.700g.
Do sinh non và mẹ bị suy gan cấp trong quá trình mang thai nên hiện em bé vẫn được chăm sóc và theo dõi trong lồng kính.
Nhiều hệ lụy nếu chủ quan
Theo BS. Huyền, viêm gan B là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm, gây ra cái chết cho hơn 600.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính 8 - 10% dân số.
Viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu khiến người bệnh chủ quan. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ rệt khi bệnh đã tiến triển được qua một thời gian dài.
Khoảng 30 - 50% người bệnh viêm gan B có các triệu chứng biểu hiện cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng; đau nhức xương khớp; thường xuyên buồn nôn, nôn; nước tiểu có màu vàng sẫm; đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải; rối loạn tiêu hóa; vàng da, vàng mắt; có hiện tượng xuất huyết, bầm tím dưới da; Bụng cổ chướng hoặc phù nhẹ mắt cá chân (xơ gan).
BS. Huyền cho biết, viêm gan B nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả sẽ dẫn đến biến chứng xơ gan trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn.
Virus viêm gan B làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính trong suốt thời gian diễn biến viêm gan cho đến xơ gan. Biến chứng ung thư thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan.
Điều trị viêm gan B mạn tính là điều trị lâu dài và bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tự ý ngừng thuốc đột ngột để tránh hiện tượng virus kháng thuốc và bùng phát virus dẫn đến suy gan.
Còn theo nhận định của PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Y học hạt nhân (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao là do Việt Nam là nước nằm trong vùng dịch tễ có viêm gan B, viêm gan C cao. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, nhiều nam giới lạm dụng rượu, dẫn tới xơ gan do rượu rất phổ biến.
Theo đó, đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư gan thường là người có viêm gan virus B, viêm gan virus C, bệnh nhân xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ...
PGS. Phương khuyến cáo đối với những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư gan cần phải tầm soát định kỳ bằng siêu âm ổ bụng, bộ 3 xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong máu.
“Đặc biệt lưu ý với người có viêm gan B, viêm gan C thường xuyên khám bệnh theo lịch hẹn của bác sĩ để giảm nguy cơ tiến triển ung thư ác tính. Bên cạnh đó, tất cả các trường hợp nam giới trên 40 có tình trạng xơ gan do bất cứ nguyên nhân gì cần phải tầm soát ung thư gan”, BS. Phương khuyến cáo.
Theo PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, ung thư gan hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như: Tiêm phòng vaccine viêm gan B; Chế độ ăn hợp lý, không uống quá nhiều rượu, hạn chế dùng các loại thực phẩm gây hại cho gan như hóa chất độc hại, nấm mốc…
Người có tình trạng gan nhiễm mỡ, xơ gan cần phải điều trị các bệnh lý ổn định để hạn chế biến đổi ác tính.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID