Gần 1.000 người đã tiêm vaccine Covid-19

Theo VnExpress 11:13 11/03/2021 - Y tế 24h
Sau 3 ngày triển khai tiêm chủng, 955 người đã được tiêm vaccine Covid-19, sức khỏe đều ổn định, một số người xảy ra phản ứng thông thường sau tiêm.

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), ngày 10/3 có thêm 433 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng Covid-19. Đây là ngày thứ ba triển khai tiêm 117.600 liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca.

Tổng cộng 3 ngày qua 955 người đã tiêm vacine, là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là 127 người; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM 474 người. Hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành 218 người. Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội 36 người. Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai 100 người.

Theo TCMR, chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10/3 báo cáo xuất hiện phản ứng sau tiêm. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy...

Trong ba ngày triển khai đầu tiên, công tác an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình TCMR đặt lên hàng đầu và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, cho biết không ghi nhận trường hợp nào có phản ứng trong 30 phút sau tiêm.

Sau tiêm, có tỷ lệ khá cao người tiêm gặp phản ứng phụ, tuy nhiên các phản ứng này đều nhẹ, phổ biến nhất là đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi. Tỷ lệ các phản ứng này cũng được nhà sản xuất thông tin sau khi quét mã QR code trên hộp vaccine.

"Đây đều là các phản ứng chậm thông thường sau tiêm chủng. Đến nay không có trường hợp nào gặp phản ứng phản vệ bất thường", bác sĩ Điền nói.

Sau 3-5 ngày nữa, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19. Hiện bệnh viện được phân 450 liều trong đợt một, dự kiến tiêm cho 420 nhân viên y tế.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ước lượng tỷ lệ phản ứng sau tiêm chỉ khoảng 3-5%, dựa theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn.

Tại Hải Dương, 2 nhân viên y tế sốt trên 38 độ C sau khi tiêm, đã được theo dõi sức khỏe và chăm sóc y tế kịp thời, hiện sức khỏe ổn định. Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hải Dương chiều 10/3 cho biết một số người khác bị đau mỏi cơ thể, đau tại chỗ tiêm, tuy nhiên không nặng lên và không kéo dài. Hiện những người này đã hồi phục.

"Các phản ứng này đã được dự trù, nằm trong khuyến cáo từ nhà sản xuất. Vaccine cũng như thuốc, vào cơ thể người sẽ có phản ứng, vì vậy chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, con người để tham gia khi có cấp cứu nặng xảy ra. Chúng tôi sẽ tiêm vaccine bình thường theo kế hoạch", ông Tuyến nói.

Hải Dương được Bộ Y tế phân bổ 32.000 liều vaccine Covid-19. Trong ngày 8/3, tỉnh đã nhận 200 liều đầu tiên, đã tiêm hết. Sáng 10/3, tỉnh nhận thêm 3.000 liều, đang lên phương án sử dụng minh bạch và đảm bảo vaccine an toàn, hiệu quả.

Theo đại diện TCMR, đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn... là các phản ứng thông thường đã được khuyến cáo sau khi tiêm vaccine. Thực tế triển khai tiêm chủng trong ba ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép. Đại diện dự án khuyến cáo vaccine phòng Covid-19 còn mới nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8/3. Ảnh: Giang Huy.
Tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8/3. Ảnh: Giang Huy.

Theo Bộ Y tế, đến nay, các nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam bao gồm: Hỗ trợ của Covax và Công ty VNVC cung ứng.

Dự kiến, các đợt vaccine tiếp theo từ hợp đồng của VNVC, với tổng số 29,87 triệu liều, sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).

Ngoài ra, ngày 25/3 lô vaccine đầu tiên từ nguồn Covax Facility với 1,37 triệu liều vaccine của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều, sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4. Như vậy, đến hết tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều từ Covax. Khoảng 25,9 triệu liều còn lại trong cam kết hỗ trợ của Covax dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8-11 năm nay.

Để có nguồn cung ứng vaccine với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vaccine như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng, nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vaccine tại Việt Nam.

Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Lê Nga - Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới