Khối máu đông dài 20 cm làm tắc mạch chân cụ ông

Theo VnExpress 07:31 17/12/2020 - Y tế 24h
Bắp chân phải đau nhiều, cụ ông 76 tuổi lấy tay bóp thật chặt để làm dịu. 10 ngày sau, ông nhập viện, động mạch chân bị tắc.

Hai năm trước ông bị giãn tĩnh mạch chân phải, điều trị bằng thuốc và mang tất áp lực. Đầu tháng 12, ông đột ngột đau chân phải, không đi khám, cho rằng chỉ đau một lúc rồi hết. Song cơn đau tăng dần, đôi lúc không thể đi lại được, ông nhập viện ngày 7/12.

Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết người bệnh chỉ đi được vài chục mét thì bắp chân rất đau và cứng. Chân phải của ông lạnh hơn chân trái, mạch ở khoeo và mu bàn chân không rõ. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy ông bị tắc hoàn toàn động mạch đùi giữa và động mạch khoeo, cẳng chân. Kết luận, bệnh nhân tắc động mạch chi dưới do huyết khối (cục máu đông) bán cấp.

"Nếu không được điều trị sớm, chân của người bệnh sẽ bị hoại tử, khó giữ lại chân, có thể đe dọa tính mạng", bác sĩ Long cho biết.

Ban đầu, bệnh nhân được điều trị bảo tồn bằng thuốc chống đông và giảm đau. Tuy nhiên kết quả không khả quan, cục máu đông không suy chuyển.

Nhóm bác sĩ hội chẩn, đặt ra hai phương án tái thông mạch: sử dụng dụng cụ cơ học hút cục máu đông ra khỏi động mạch, hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên với cụ ông, phương pháp hút bằng dụng cụ cơ học sẽ làm cho huyết khối bong tróc, gây tắc mạch máu khác. Vì vậy, nhóm bác sĩ quyết định chọn phương án phẫu thuật lấy cục máu đông.

Cục máu đông dài lấy ra từ chân cụ ông. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Cục máu đông dài lấy ra từ chân cụ ông. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Sau 45 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra cục huyết khối dài tới hơn 20 cm. Ngay sau mổ, bệnh nhân có mạch chân trở lại, tiên lượng sẽ phục hồi lưu lượng máu tới cẳng chân, theo bác sĩ Trần Cửu Long Giang, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình.

"Can thiệp xong, tôi cảm giác chân nóng lên, cơ khớp gối xuống giảm đau rất nhiều trong khi trước đó đau kinh khủng", cụ ông cho biết. Hiện, ông đã hồi phục sức khỏe, có thể đi lại bình thường, tiếp tục điều trị tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Long, người bị rối loạn mỡ máu cao, người cao tuổi nguy cơ cao xơ vữa mạch máu và tắc mạch. Nhóm này cần khám sàng lọc xơ vữa và mạch ngoại biên, nếu có yếu tố nguy cơ phải uống thuốc điều trị đầy đủ và cải thiện chế độ ăn.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như nhanh mỏi cơ, chuột rút, đau người, da chân lạnh hơn so với chân đối đối diện. Đây là các dấu hiệu thiếu máu chi, phải được khám điều trị triệt để, tránh nguy cơ hoại tử, nguy hiểm tính mạng.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới