Lấy mảnh xương cá "bỏ quên" trong phế quản một bệnh nhân sau 5 năm
Trước đó, ngày 1-4, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đ. (74 tuổi), trú xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, nhập viện với chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi trái, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Sau đó, bệnh nhân Đ. được nội soi phế quản ống mềm và nghi ngờ có dị vật ở phế quản thùy dưới trái, vị trí tiếp xúc của dị vật tăng sinh mô hạt nhiều, niêm mạc phế quản thùy dưới viêm đỏ, phù nề…
Kết quả CT Scan phổi cùng ngày cho kết quả viêm phổi tắc nghẽn ở toàn bộ thùy dưới phổi do các mảnh dị vật cản quang ở đoạn cuối nhánh phế quản thùy dưới phổi và đoạn đầu nhánh phế quản phân thùy 8 phổi; viêm dãn phế quản ở thùy dưới phổi bội nhiễm rải rác ở phổi hai bên; tràn dịch màng phổi lượng vừa.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân nghi ngờ có sặc dị vật vào đường thở sau khi ăn canh cá khoảng 5 năm trước đó nhưng cứ ngỡ đã ho khạc ra nên không để ý. Sau đó, bệnh nhân hay bị ho, khạc đàm, khó thở từng đợt điều trị không khỏi dứt điểm.
Đến ngày 21-4, bệnh nhân đã ê-kíp các y, bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế tiến hành nội soi phế quản ống mềm và lấy dị vật ra là mảnh xương hình khối, kích thước khoảng 12x13x11mm ở phế quản thùy dưới trái.
Các bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, quá trình phẫu thuật lấy dị vật gặp khó khăn do dị vật nằm đã lâu trong lòng phế quản gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt, súc rửa phế quản sau đó mới có thể tiến hành gắp dị vật.
Theo BS CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính, như ngưng thở hay có thể gây nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân nếu không được phẫu thuật kịp thời. Đa số các trường hợp dị vật phế quản bỏ quên thường gây nhiễm trùng phế quản phổi dai dẳng, tái lại sau khi ngừng kháng sinh, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.
Nhiều năm qua, Bệnh viện T.Ư Huế đã sử dụng thường quy kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm lấy dị vật phế quản. Kỹ thuật này ít gây tổn thương và không đòi hỏi gây mê toàn thân, tỷ lệ thành công trong lấy dị vật khá cao, trên 95%.
Cũng theo Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, việc bệnh nhân bị hóc xương là thường gặp nhưng hóc xương mà để quên đến 5 năm là trường hợp hy hữu. Sau khi lấy thành công dị vật, hiện bệnh nhân Đ. đã khỏe nhiều, hết ho, hết khó thở, ăn uống được và dự kiến sẽ ra viện trong tuần này.
CÔNG HẬU - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID