Liệu làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có xảy ra tại Việt Nam?

Theo Nhandan 09:56 29/04/2020 - Y tế 24h
Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xâm nhập trong cộng đồng. Việt Nam đã bước sang ngày 13 không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, liệu chúng ta có thể sẽ phải đối diện với làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 hay không?

null

Tại cuộc họp gần nhất của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác định có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn. Do đó, Thứ trưởng bày tỏ lo ngại về làn sóng thứ 2 đối với dịch Covid-19.

"Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn", Thứ trưởng bày tỏ.

Do đó, cần phải kiên quyết ngăn chặn với đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống dịch. Nếu không làm thế dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã điều chỉnh lại vấn đề xét nghiệm. Theo đó, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường thì lập tức xét nghiệm. Việc xét nghiệm cũng tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế...

Đánh giá về tình hình dịch hiện tại, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, về mặt lý thuyết chúng ta còn có những bệnh nhân đi từ nước ngoài về hoặc có bệnh nhân không có biểu hiện đi lại trong cộng đồng hoặc có người chưa được xét nghiệm được mang virus thì có thể lây lan. Tuy nhiên, ông nhận định, sẽ khó có làn sóng thứ 2 hoặc có thể không có làn sóng thứ 2 tại Việt Nam.

“Về mặt quy luật sinh học, một dịch cúm xuất hiện vào đông xuân thì vào cuối mùa xuân, thời tiết thay đổi, dịch sẽ hết. Dịch Covid-19 đã xuất hiện từ 23-1 đến 23-4 là 3 tháng, về mặt dịch tễ học, tôi cho rằng dịch cũng dần thoái lui”, PGS, TS Nguyễn Huy Nga nói.

Do đó, để kiểm soát dịch tốt, trước thực tế vẫn có hàng chục nghìn người từ nước ngoài về, từ nơi có dịch thì PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, cần phải cách ly triệt để những đối tượng này 14 ngày tại nơi cách ly tập trung sau đó tiếp tục về gia đình cách ly 14 ngày. Các cửa khẩu biên giới tăng cường kiểm soát những người nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phải tăng cường giám sát tất cả các trường hợp có biểu hiện của cúm như có sốt, ho, có hiện tượng viêm mũi…

PGS, TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, từ giờ hết tháng 5, người dân vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2 m với người khác. Việc rửa tay bằng xà phòng phải được thực hiện trong suốt cuộc đời để còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác. “Nếu chúng ta cố gắng thực hiện được, thực hiện tiếp tục giãn cách hết tháng 5 thì chắc chắn không có dịch bệnh lây cho chúng ta và cộng đồng”, ông Nga cho hay.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, Việt Nam có một số thành công. Thứ nhất, những người nhập cảnh đã được cách ly hết, phát hiện các ca dương tính, gần nhất là hai người từ Nhật Bản trở về. Thứ 2, các ổ dịch đều đã được kiểm soát. Mới nhất là ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nếu không có gì thay đổi, tới ngày 5-5, ổ dịch này sẽ được gỡ phong tỏa. Thứ 3, nhiều ngày qua, chúng ta không phát hiện các ca ngoài cộng đồng... Những thành công này một phần lớn là bởi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội đúng lúc và quyết liệt.

Sắp tới, chúng ta có thể có thêm những ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh nhưng những ca này đều được cách ly ngay tại sân bay. Vì thế, những ca ngoài cộng đồng mới chính là mối nguy cơ thứ 2 ở nước ta. Chúng ta phải xác định vẫn còn có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng vì dù có thực hiện giãn cách xã hội cũng không thể quản được 100% người dân. Chưa kể đến, có phần lớn người mắc không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, rất khó phát hiện trong cộng đồng.

Về làn sóng thứ 2 có thể bùng phát ở Việt Nam hay không, PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định, Việt Nam đã và đang làm tốt được việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, nên khó có nguy cơ này. Sắp tới, Việt Nam có thể có những ổ dịch nhưng sẽ không lớn, rải rác và sẽ kiểm soát được.

"Tuy nhiên, người dân không được chủ quan. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như các nước. Điển hình như Singapore từ một nước được đánh giá cao về chống dịch, nhưng đến nay đã bị vỡ trận, số mắc rất cao. Dù chúng ta đã có 13 ngày không ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống dịch. Sắp tới là kỳ nghỉ lễ dài ngày, tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch bởi vì bất kỳ sự chủ quan nào cũng có thể làm cho dịch diễn biến khó lường”, ông Phu nói.
THIÊN LAM

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Y tế 24h - 01/10/2024

Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Y tế 24h - 30/09/2024

Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới