Lý giải nạn cướp thi thể bệnh nhân Covid-19 ở Indonesia
Cũng như các nước khác trên thế giới, Indonesia có những quy định nghiêm ngặt về việc mai táng những người chết do nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình tìm cách trộm thi thể của người nhà từ bệnh viện về chôn theo truyền thống.
Ngày 3/6, hàng trăm người đã đột nhập vào Bệnh viện Dadi ở thành phố Makassar (tỉnh South Sulawesi) để lấy xác của một bệnh nhân đã mất hai ngày sau khi nhập viện.
Giám đốc bệnh viện, Arman Bausat, cho biết, ông và các nhân viên không thể làm gì để ngăn cản sự việc vì một số người trong nhóm trên có trang bị vũ khí sắc nhọn. Video ghi hình cho thấy 7 người đã lao vào Trung tâm Chăm sóc Tích cực và lấy thi thế người chết đi.
Trước đó, bệnh nhân được đưa vào BV Akademis Jaury rồi chuyển sang BV Dadi khi có các triệu chứng ho, sốt nặng, khó thở và nôn mửa.
Trước khi có vụ việc này, bệnh viện và lực lượng phòng chống dịch dự định tiến hành các thủ tục chôn cất ở nghĩa trang Maccanda theo quy định mùa dịch Covid-19.
Ngày 7/6, một vụ cướp thi thể lại xảy ra khi 150 người đột nhập vào Bệnh viện Stella Maris. Người nhà của họ là một phụ nữ 50 tuổi chết chỉ vài giờ sau khi có các triệu chứng nguy kịch.
Lực lượng quân đội và cảnh sát được huy động đến nhưng đám đông vẫn vượt qua được và đem thi thể nạn nhân phủ sarong bỏ trốn. Cảnh sát trưởng Wahyu Basuki cho hay, lực lượng an ninh quá mỏng so với những người đột nhập bệnh viện.
Trước đó, thi thể của 2 bệnh nhân Covid-19 khác cũng bị người nhà tới lấy đi để tự chôn cất.
Phát ngôn viên cảnh sát tỉnh South Sulawesi khẳng định, hành động trên là vi phạm pháp luật. “Đó là tội ác, nhất là khi nó có thể tác động tới cộng đồng rộng hơn. Chúng tôi sẽ mở rộng điều tra”, vị trên cho hay.
Ở thành phố Surabaya (Đông Java), người dân còn di chuyển cả giường và bệnh nhân Covid-19 đã chết về nhà vào ngày 4/6. Cảnh sát khu vực cho hay, gia đình khẳng định người bệnh không mất vì Covid-19 dù xét nghiệm dương tính với virus nCoV.
Các quan chức địa phương, nhân viên y tế và người có uy tín trong vùng đã tới gặp và thuyết phục được gia đình trên chôn cất người nhà theo quy định. Ngoài ra, những thành viên tiếp xúc với xác chết cũng được yêu cầu xét nghiệm nhanh.
Nhà xã hội học Amika Wardhana (Đại học bang Yogyakarta) cho hay, các sự cố trên xảy ra do hai lý do: Niềm tin văn hóa xung quanh cái chết và sự chủ quan của người Indonesia với đại dịch.
“Theo truyền thống của người Indonesia, trong mọi tôn giáo và văn hóa, cái chết là một giai đoạn quan trọng của cuộc đời. Trong khi đó, thủ tục chôn cất người chết vì Covid-19 rất đơn giản và nhanh chóng. Bởi vậy, một số người cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng và không thể chấp nhận được”, ông Wardhana cho hay.
Ngoài ra, ông Wardhana cũng nói cơ quan chức năng chưa xử lý tốt các tình huống nguy cấp khiến cộng đồng không hiểu được đầy đủ về nạn dịch.
Tới ngày 11/6, Indonesia đã có 34.000 ca nhiễm, gần 2.000 người chết. Có thời điểm, số ca nhiễm mới lên tới 1.000 người một ngày.
An Yên (Theo Jakarta Post)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ