Mơ hồ 'làn sóng Covid-19 thứ hai'
Tại Mỹ, sau vài tuần chững lại ở mức 20.000 bệnh nhân một ngày, số trường hợp dương tính nửa cuối tháng 6 một lần nữa nhảy vọt. Ngày 26/6, nước này ghi nhận mức tăng kỷ lục với hơn 40.000 ca mắc mới, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Hôm 25/6, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cũng cho biết số ca nhiễm tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ leo thang nhanh chóng.
Tuy nhiên, câu hỏi liệu các khu vực trên có đang trải qua "làn sóng Covid-19 thứ hai" hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
Các chuyên gia cho rằng bản thân thuật ngữ này cũng vô cùng mơ hồ, khuyến cáo không nên vội vàng đưa ra tuyên bố về "làn sóng thứ hai", bởi số ca nhiễm gia tăng không đồng nghĩa chu kỳ mới của Covid-19 bắt đầu.
Thực tế, nhiều quốc gia, thậm chí chưa vượt qua đợt bùng phát đầu tiên. Điều này được Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, đề cập trong phỏng vấn với tờ Washington Post, ngày 18/6. Ông cho rằng Mỹ vẫn đang ở trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, dù tỷ lệ nhiễm bệnh tăng giảm không đồng đều ở các khu vực khác nhau.
John Mathews, Giáo sư danh dự của Đại học Nhân chủng và Sức khỏe Toàn cầu Melbourne, giải thích khái niệm "làn sóng thứ hai" các loại dịch bệnh nào thường xảy ra khi lượng bệnh nhân chững lại hoàn toàn, sau đó đột ngột nhảy vọt. Tuy nhiên, chưa có thước đo cụ thể để đánh giá thế nào là "làn sóng thứ hai", dựa trên các yếu tố như thời gian, không gian, tỷ lệ ca nhiễm. Ông Mathews cho biết đây là một thuật ngữ mơ hồ, không nên sử dụng bừa bãi.
Khái niệm này được đề cập rộng rãi sau đại dịch cúm Tây Ban Nha, bùng phát năm 1918, lây nhiễm hơn 500 triệu người, gây ra 50 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. "Làn sóng thứ hai" của căn bệnh nguy hiểm hơn, xảy ra vào mùa thu, vài tháng sau đợt đầu tiên.
Theo Giáo sư Mathews, nguyên nhân khiến dịch bệnh hồi sinh thường do virus biến chủng hoặc sự thay đổi hành vi của con người. Trong dịch cúm năm 1918, dân số thế giới đã đạt đến miễn dịch cộng đồng, song virus thay đổi để "tránh né" phản ứng của cơ thể, tiếp tục lây lan.
"Tôi không nghĩ viễn cảnh như vậy sớm xảy ra đối với Covid-19", ông nói. Ước tính, khoảng 60% đến 70% công dân toàn cầu cần được tiêm vaccine hoặc nhiễm nCoV nếu muốn có miễn dịch cộng đồng. Song tỷ lệ hiện tại tương đối thấp.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng làn sóng Covid-19 thứ hai có thể bùng phát do hành vi của người dân và phản ứng từ chính phủ các nước. Hannah Clapham, chuyên gia dịch tễ, Giáo sư trợ lý tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, nhận định yếu tố quan trọng lúc này là biện pháp xử lý các ca mắc mới.
Bà cho rằng không cần quá tập trung vào khái niệm "làn sóng", vốn mơ hồ, không có giá trị biểu đạt bằng dữ liệu thống kê.
"Đối với tôi, điều cấp thiết là tìm hiểu số trường hợp dương tính có tăng đều đặn hay không, các quốc gia đang làm gì để kiểm soát sự lây nhiễm ấy. Điểm đáng lo là lượng bệnh nhân leo thang trở lại ở nhiều nơi, một số khu vực còn vượt ngưỡng trước đó", bà nói.
Các chuyên gia khác một mực khẳng định lịch sử dịch cúm Tây Ban Nha 1918 sẽ một lần nữa lặp lại.
"Gần như chắc chắn sẽ xảy ra đợt bùng phát thứ hai, bởi đến lúc đó, chúng ta chưa có vaccine. Dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng vào khoảng giữa hoặc cuối mùa thu", Gabriel Leung, trưởng khoa y tế, Đại học Hong Kong, nhấn mạnh.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch