Mỗi năm hơn 170.000 người Việt bệnh lao

Theo VnExpress 24/03/2021 - Y tế 24h
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Ước tính mỗi năm Việt Nam ghi nhận 170.000 ca mắc mới.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, tại chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3, nhấn mạnh Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đồng thời là một trong 30 nước có bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm có 170.000 ca mắc mới, trong đó có 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc.

Bệnh không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc và tử vong do lao.

Các gia đình có người bệnh lao đang phải đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả gia đình. Đặc biệt, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình và đất nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Từ năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động và làm gián đoạn công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Cụ thể, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%, ở Việt Nam là 3%.

"Covid-19 gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh. Dự kiến sẽ có nhiều trường hợp tử vong do lao hơn do giảm sự phát hiện và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị lao", ông Kidong Park, Đại diện WHO tại Việt Nam, nhận định.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều số tử vong do Covid-19 hay do tai nạn giao thông. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

"So với Covid-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài", ông Nhung nói.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Bệnh lao khiến khoảng 4.000 người chết mỗi ngày trên thế giới. Ảnh: Newsweek.
Bệnh lao khiến khoảng 4.000 người chết mỗi ngày trên thế giới. Ảnh: Newsweek.

Theo ông Nhung, Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3) hằng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao nhằm đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Năm nay có chủ đề "Đồng hồ đã điểm" để nhắc nhở toàn thế giới còn rất ít thời gian để hành động mới có thể về đích, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta là mỗi một giây, một phúc trôi qua có bao nhiêu người đang chết vì bệnh lao.

Ông Nhung cho biết, hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Ảnh hưởng của Covid-19 song Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá tốt. Tỷ lệ điều trị khỏi, điều trị thành công ở mức cao trên 90% với những ca mắc mới và trên 70% với những trường hợp lao kháng thuốc, trong khi thế giới là khoảng 56%.

"Việt Nam cần tiếp tục giữ vững thành quả, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030", ông Nhung nói.

Nhằm hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao tại Việt Nam, từ ngày 22/3 đến ngày 21/5, Chương trình Chống lao quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin với cú pháp: TB gửi 1402 (20.000 đồng một tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn) nhằm tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Lê Nga 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Y tế 24h - 19/04/2024

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Y tế 24h - 19/04/2024

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Y tế 24h - 19/04/2024

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới