Nấm phổi khó phát hiện nhưng vô cùng nguy hiểm
Tỷ lệ tử vong cao
Bệnh nhân N.Đ.D. (56 tuổi, Nghệ An) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Phổi Trung ương sau một thời gian điều trị nhưng những cơn ho mãi không dứt, cơ thể mệt mỏi.
Người nhà cho biết, trước nhập viện 2 tháng, ông D. ho khạc đờm vàng đặc, khó thở nhẹ, đau ngực, ăn kém, mệt nhiều.
Trước đó trong khoảng 1 năm, ông D. xuất hiện khó thở ho đờm và thi thoảng có dây máu. Dù ông D. đã đi khám và được điều trị tại bệnh viện huyện nhưng dai dẳng mãi không đỡ.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ông D. được chẩn đoán mắc nấm phổi.
Cùng tại đây, ông B.Đ.Đ (62 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) nhập viện lần 2 sau khi thấy cơ thể mệt, khó thở, ho nhiều do tái mắc nấm phổi xâm lấn.
Trước đó, ông Đ. từng được điều trị thuốc nấm 3 tháng, ổn định ra viện, duy trì uống thuốc điều trị ở nhà. Tuy nhiên, thay vì quay trở lại thăm khám sau khi hết đơn thuốc, ông Đ. lại tự ý dùng thuốc nên bị tái nhiễm nấm phổi.
Nặng hơn là trường hợp bệnh nhân N.V.L. (trú tại Hải Phòng), vốn mắc lao phổi đã điều trị đủ liệu trình, lại kèm thêm bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Trước nhập viện khoảng 1 tháng, ông L. ho nhiều, đờm đặc, sốt kèm theo khó thở tăng dần, phải thở oxy. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm nấm xâm lấn.
BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, giống như các bệnh hô hấp khác, nấm phổi có các triệu chứng như ho, khạc đờm, ho ra máu, khó thở, đau ngực hay sốt…
Tuy nhiên, tất cả các triệu chứng này đều không đặc hiệu, nên đối với cả người bệnh và nhân viên đều dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh viêm phổi, lao phổi.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nấm phổi xâm lấn rất cao, từ 30-80% số người mắc. Tùy theo tình trạng bệnh nền mà người bệnh có tiên lượng xấu ít hay nhiều. Đặc biệt, nếu nấm phổi xâm lấn không được điều trị 100%, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh.
Trên thế giới, tỷ lệ sống của bệnh nhân mắc nấm phổi sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Tỷ lệ mắc nấm phổi mạn tính ở bệnh nhân lao mới 14% và lao đã điều trị 56%.
Còn tại Việt Nam, những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm. Khoảng 1/2 số trường hợp không được điều trị tử vong sau 5 năm.
Phần lớn trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn cần phải phẫu thuật, nút mạch cầm máu song song với việc điều trị thuốc nấm kéo dài. Những trường hợp này, nguy cơ tử vong cao trước và sau phẫu thuật.
Nhiều ca nấm phổi bị bỏ sót
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn (gây nhiễm trùng phổi) được ghi nhận. Tuy nhiên, số người được chẩn đoán vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 1/1000 ca mắc.
Nguyên nhân gây bệnh nấm phổi là do các loại nấm: Candida, Aspergillus, Cryptococcus, trong đó, hay gặp nhất là loại Aspergillus.
Chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng với ca nặng. Vì thế, cùng với việc xây dựng quy trình chẩn đoán điều trị tiêu chuẩn thì cần sự chung tay của quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng.
BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Hầu hết bệnh nhân thường đến khám vì ho ra máu kéo dài không rõ lý do, sốt kéo dài kèm đau ngực, ho khạc đờm kéo dài kèm khó thở như hen; hoặc các trường hợp chẩn đoán viêm phổi điều trị kháng sinh kéo dài nhưng không khỏi.
BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng nhận định, nấm Aspergillus rất phổ biến, lưu hành trong không khí và rất dễ lây.
Những bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu mắc nấm.
Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã và đang có bệnh tại phổi. Nấm Apergillus gây phá hủy phổi.
Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về bệnh nấm phổi do Aspergillus. Tuy nhiên, khoảng 50% bệnh nhân đã từng mắc lao, đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp mắc nấm phổi do Aspergillus.
Bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: Nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mạn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm.
Bệnh được phát hiện bằng chụp X-quang hoặc CT ngực có hình ảnh u nấm trên một hang có sẵn trong phổi có hoặc không kèm theo các tổn thương khác. Nếu không được điều trị, phần phổi bị phá hủy sẽ ngày một lớn, dẫn đến mất chức năng phổi.
“Để phòng bệnh nấm phổi, cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều hoa quả tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm”, BS. Lượng khuyến cáo.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử