Người đàn ông 'ho ra máu sét đánh'
Bác sĩ Phan Anh Dũng, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, ngày 10/8 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn.
Bệnh nhân có tiền sử lao phổi 20 năm, gây ra kén khí, giãn phế quản mạn tính. Ông còn mắc bệnh bạch cầu mạn tính, phải điều trị bằng thuốc hóa trị Imatinib lâu dài. Trước khi nhập viện, bệnh nhân ho một tràng dài, dữ dội. Dứt ho, ông gục xuống bất tỉnh, máu từ mũi và miệng chảy ra thành dòng.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngừng hô hấp do "ho ra máu sét đánh". Bệnh này xuất hiện ở người mắc các vấn đề về phổi, như lao phổi, giãn phế quản, bất thường mạch máu phổi. Bệnh hiếm gặp, tỷ lệ tử vong trên 90%.
Trường hợp bệnh nhân này rất phức tạp do giãn phế quản, gây vỡ động mạch phế quản dẫn đến cơn ho ra máu dữ dội. Bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh. Lượng máu nhiều, ộc ra ồ ạt không cầm được.
"Máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở. Tiên lượng rất xấu, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn, dẫn đến tử vong ngay", bác sĩ Dũng nói.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức tích cực và khai thông đường thở, bằng cách đặt ống nội khí quản, thở máy xâm lấn để cấp cứu ban đầu. Đồng thời, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Trong vòng 15 phút, các bác sĩ thuộc năm khoa Lồng ngực - Mạch máu, Nội Tổng hợp, Nội soi phế quản cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh và Gây mê hồi sức đã có mặt để hội chẩn và đưa ra hướng xử lý cứu sống người bệnh.
Sau khi xem xét, đánh giá tình hình, các bác sĩ quyết định can thiệp xử lý nội mạch, bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE (bronchial artery embolization) đối với bệnh nhân.
Dưới màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền (DSA), bác sĩ đặt một ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu. Sau đó, một ống thông có kích thước nhỏ hơn tiếp tục được luồn một cách chọn lọc vào trong lòng động mạch phế quản bị tổn thương để bơm chất nút mạch.
Sau can thiệp, các mạch máu động mạch phế quản gây tình trạng xuất huyết đã được nút lại kịp thời. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Ngày 13/8, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân như mạch, huyết áp, nhịp tim... ổn định, tình trạng ho ra máu đã hết, còn thở máy do viêm phổi nặng. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị, theo dõi tại khoa Hồi sức tim mạch.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu ngoại biên, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu hầu, thường chỉ tiến hành ở bệnh nhân hẹn trước theo lịch. Tuy nhiên trường hợp bệnh nhân này rất đặc biệt, là ca cấp cứu, nguy cơ tử vong cao, nên quyết định nút tắc động mạch đã kịp thời cứu sống ông.
Kỹ thuật BAE ngoài ứng dụng cấp cứu, còn có thể can thiệp các trường hợp ho ra máu lượng ít hoặc trung bình, khi có chỉ định thích hợp. Nút động mạch phế quản là thủ thuật điều trị nội mạch an toàn và ít biến chứng do chỉ xâm lấn tối thiểu.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch