Người phụ nữ ngộ độc pate Minh Chay cai máy thở sau 5 tháng nằm viện

Theo VnExpress 08:42 04/01/2021 - Y tế 24h
TP HCM - Bệnh nhân nữ, 57 tuổi, ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, đã cai máy thở sau 5 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Phó Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, ngày 1/1 cho biết bệnh nhân quê Long An đến viện khám ngày 17/7/2020 vì khó nuốt, khó há miệng, thỉnh thoảng nuốt sặc.

Trước đó bệnh nhân đến một bệnh viện đa khoa, bác sĩ nghi ngờ uốn ván nên khuyên sang khám Bệnh Nhiệt đới.

"Người mắc uốn ván thường nuốt khó, cứng hàm, trường hợp này lại xuất hiện sụp mi, chứng tỏ có bất thường", bác sĩ Nguyên phân tích.

Bệnh nhân nhanh chóng diễn tiến khó thở, có đờm nhiều ở miệng nên các bác sĩ phải mở khí quản cho thở máy, hỗ trợ hô hấp. Triệu chứng của bệnh nhân gợi ý các bệnh lý về thần kinh cơ, dễ gây chẩn đoán nhầm. Chụp CT, MRI, chọc dò dịch não tủy, đo điện cơ... không tìm ra chính xác bệnh.

Khai thác bệnh sử nhiều lần, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân ngộ độc pate Minh Chay. Cách nhập viện vài ngày, bệnh nhân ăn khoảng hai muỗng nhỏ pate cùng bánh mì. Em gái bệnh nhân cũng ăn thực phẩm này và có triệu chứng giống chị, cùng vào nhập viện điều trị.

"Khi ấy các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận một số bệnh nhân tương tự", bác sĩ Nguyên nhớ lại. Hai bệnh viện hội chẩn, phối hợp với nhau, làm các xét nghiệm cho ra kết quả những bệnh nhân này nhiễm độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng cần sớm điều trị bằng huyết thanh kháng độc tố, giá khoảng 8.000 USD một lọ. Ngộ độc botulinum chưa từng xuất hiện tại Việt Nam trong 30 năm qua, vì vậy không nhập sẵn huyết thanh này.

Bệnh nhân vừa cai máy thở tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Bệnh nhân vừa cai máy thở tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, đã liên hệ với văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại TP HCM để nhờ hỗ trợ huyết thanh. WHO sau đó đã tài trợ Bộ Y tế Việt Nam 10 lọ huyết thanh để phân chia về các bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, một số địa phương như Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam... cũng ghi nhận các ca bệnh.

"Sau khi chích thuốc kháng độc tố ngày 14/9, bệnh nhân cử động khá hơn", bác sĩ Nguyên nói. Bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, nâng đỡ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu để cải thiện sức cơ.

Nhiều tháng liền, sự sống của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Người thở máy dài ngày thường đối mặt nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng. Bệnh nhân này cũng không ngoại lệ, nhiều lần viêm phổi, nhiễm trùng tiểu. Các bác sĩ phải tìm nguyên nhân, phát hiện sớm và kháng sinh điều trị triệt để từng đợt nhiễm trùng để giữ tính mạng bệnh nhân.

Cơ hô hấp của bệnh nhân yếu nên các bác sĩ nhiều lần tập cai máy bằng cách ngưng máy cho bệnh nhân tự thở vài giờ để đánh giá khả năng hô hấp. Đến cuối tháng 12, bệnh nhân được cai hẳn máy thở. Bệnh nhân tiếp tục điều trị tại viện, tập vật lý trị liệu, hỗ trợ dinh dưỡng...

"Tôi ăn chay trường mấy chục năm nay, không nghĩ chỉ ăn vài muỗng pate đã phải nằm viện mấy tháng, khắp người đau mỏi", bệnh nhân nói.

Em gái 54 tuổi của bệnh nhân nhiễm độc botulinum nhẹ hơn, xuất viện cuối tháng 9, hiện nay sức khỏe hồi phục tốt.

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cuối tháng 8 cảnh báo khẩn cấp về pate Minh Chay vì gây ngộ độc cho nhiều người. Hàng chục bệnh nhân ngộ độc bolutinum do ăn pate này ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Nhà chức trách xác định hàng nghìn người đã mua sản phẩm này và tiến hành thu hồi được gần 300 lọ.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.

Khi dùng thức ăn chứa độc tố botulinum, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc. Khi nghi ngờ thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn bị ôi thiu, biến dạng thì không nên sử dụng.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới