Người sàng lọc hàng nghìn ca nghi nhiễm

Theo VnExpress 08:59 19/04/2020 - Y tế 24h
Nhận thông báo sắp tiếp nhận trường hợp về từ vùng dịch, bác sĩ Bảo nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, chờ sẵn trước phòng cách ly.

Giữa trưa 7/4, khu khám cách ly người nghi nhiễm nCoV, Bệnh viện Đống Đa khá vắng vẻ, chỉ vài y bác sĩ mặc đồ bảo hộ xanh đi lại. Trong phòng, bác sĩ Dương Quốc Bảo đang trao đổi, khai thác đường dịch tễ của bệnh nhân vừa tiếp nhận.    

Giữ khoảng cách an toàn, anh đặt câu hỏi: "Hiện tại, em cảm thấy sức khỏe thế nào". Tiếp đó, những câu hỏi liên quan đến dịch tễ, tiếp xúc với ai, đi đến những nơi nào... Cô gái trả lời, bác sĩ ghi vào tờ khai sàng lọc và đưa dữ liệu vào máy tính. Cuộc trao đổi kéo dài hơn 30 phút. 

Bác sĩ cũng cân nhắc sử dụng câu hỏi tế nhị, tránh làm người bệnh hoang mang, lo lắng quá mức.

Bác sĩ Dương Quốc Bảo, 37 tuổi, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Anh đang chịu trách nhiệm khám sàng lọc hàng nghìn bệnh nhân nghi nhiễm, tại bệnh viện. Những người anh đánh giá nguy cơ cao nhiễm sẽ được chuyển đến bệnh viện Nhiệt đới chuyên điều trị Covid-19. Người yếu tố nguy cơ thấp hơn, có thể cách ly theo dõi và điều trị tại bệnh viện Đống Đa hay bệnh viện khác cùng cấp.  

Từ đầu dịch, bác sĩ Bảo phải cách ly tại viện cùng với đồng nghiệp của mình. 10 năm công tác trong ngành bệnh truyền nhiễm, đối mặt với nhiều đợt dịch lớn, anh chưa từng thấy cách ly cả những người khỏe mạnh tại viện như lần này.

"Đây là công việc căng thẳng và phải thận trọng từ khâu bảo hộ đến sàng lọc, thăm khám, điều trị. Tất cả phải cẩn trọng, không được để ra bất kỳ sai sót nào", bác sĩ Bảo nói.

Khi ngành y tế xuất hiện những bệnh nhân y bác sĩ lây nhiễm chéo, anh liên tục nhắc nhở đồng nghiệp nâng ý thức phòng hộ lên mức cao nhất. 

Bác sĩ Bảo đang trao đổi, khai thác đường dịch tễ và tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân. Ảnh: Thùy An
Bác sĩ Bảo đang trao đổi, khai thác đường dịch tễ và tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Từ ngày 31/1, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bệnh viện Đống Đa đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch, bắt đầu tiếp nhận người thuộc diện phải sàng lọc. Bệnh viện lập khu cách ly riêng dành cho người nghi nhiễm.

Một ngày của bác sĩ Bảo bắt đầu từ việc thăm khám ngoại trú, sàng lọc trường hợp nghi ngờ Covid-19. Sau đó kíp của bác sĩ Bảo điều trị bệnh nhân kết hợp trấn an tâm lý, chăm sóc đời sống ăn, ngủ nghỉ cho bệnh nhân...    

Hiện tại, bệnh viện chỉ tiếp nhận, cách ly người có triệu chứng được đưa đến viện từ khu cách ly hoặc Trung tâm Y tế Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... Nhờ đó, bác sĩ dễ dàng khoanh vùng, sàng lọc nguy cơ và tư vấn đúng hướng trước khi điều trị.

Bác sĩ Bảo không gọi những ngày này là "cách ly" vì không có cảm giác cách ly. Anh nói "nó cũng chỉ là một trong rất nhiều nhiệm vụ mà các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm cần làm vì bệnh nhân và cộng đồng thôi". 

Hôm 17/3, bác sĩ Bảo nhận được lá thư viết tay của cặp vợ chồng người Anh, đi chuyến bay VN54 từ Anh đến Hà Nội ngày 2/3. Trên chuyến bay này sau đó ghi nhận ít nhất 15 người nhiễm nCoV, hai vợ chồng thuộc diện nguy cơ cao, cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đống Đa.

Hoàn thành thời gian cách ly, họ về nước, mang theo giấy chứng nhận âm tính với nCoV. Vài ngày sau, hai vợ chồng gửi thư đến bác sĩ Bảo, bày tỏ lòng biết ơn nhân viên y tế đã chăm sóc họ và hứa sẽ trở lại Việt Nam khi dịch bệnh kết thúc. 

"Họ gọi chúng tôi là 'người ở tuyến đầu' nhưng tôi nghĩ mình cũng chỉ là cánh tay nối dài trong cuộc chiến cần nhiều người chung tay", bác sĩ Bảo nói. "Cứ mỗi ngày trôi qua thêm một kết quả âm tính là thêm một niềm vui, thêm một người xuất viện là thêm nguồn động lực để mọi người vượt qua cuộc chiến này".

Trở lại phòng làm việc, bác sĩ Bảo xem bức ảnh chụp một nhân viên y tế chợp mắt ngủ trong thời gian chờ bệnh nhân. Anh nói thời gian chống dịch là cơ hội hiếm có để anh được sát cánh cùng đồng nghiệp và chứng kiến nhiều câu chuyện ý nghĩa. Gom góp các câu chuyện nhỏ, anh kể lại trên trang cá nhân của mình. Đồng nghiệp trêu, sau đợt dịch, bác sĩ Bảo có thêm nghề tay trái là làm "nhà văn".

"Tôi một phần muốn ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong những ngày chống dịch 'có một không hai', phần vì tâm tư thôi thúc phải viết gì đó để cảm ơn sự hy sinh của đồng nghiệp, bởi những câu chuyện của họ trong khu cách ly tuy nhỏ bé mà chân thành", anh nói.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Y tế 24h - 15/01/2025

Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Y tế 24h - 07/01/2025

Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Y tế 24h - 06/01/2025

Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Y tế 24h - 03/01/2025

Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Y tế 24h - 02/01/2025

Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới