Nguy cơ lây nhiễm nCoV cận kề nha sĩ
Dịch bệnh ở Mỹ dần ổn định, các bệnh viện và phòng khám răng được cho phép mở cửa trở lại. Tuy nhiên, bác sĩ nha khoa phải vật lộn để tự đảm bảo an toàn cho bản thân. Trong khi họ đã chi hàng chục nghìn USD để mua thiết bị khử trùng, máy lọc không khí, tình trạng khan hiếm lại đến từ những vật dụng cơ bản nhất như mặt nạ N95, khẩu trang y tế, áo choàng hay tấm chắn giọt bắn.
"Mua đủ đồ bảo hộ gần như là bất khả thi. Nhà cung cấp vật tư nha khoa của chúng tôi đã được đặt trước từ nhiều tháng", Don Yoshikawa, một nha sĩ 71 tuổi làm việc tại California, cho biết.
Yoshikawa mở cửa phòng khám trong tuần đầu tháng 6, sau khi tạm ngưng hoạt động giữa tháng 3. Ông đã bỏ ra khoảng 25.000 USD mua máy lọc không khí đặt cạnh miệng của bệnh nhân. Tuy nhiên ông không tìm được khẩu trang y tế mới. Những chiếc cuối cùng còn sót lại trong kho từ trước khi dịch bệnh bùng phát. Ông và các đồng nghiệp của mình chẳng còn sự lựa chọn nào khác, ngoài sử dụng lại chúng nhiều lần.
Trong một cuộc khảo sát trên 5.504 nha sĩ của Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA), hơn một nửa thừa nhận họ không thể mở cửa lại cơ sở điều trị vì thiếu nguồn cung đồ bảo hộ. Số khác cho biết họ lo ngại có thể lây nhiễm nCoV.
Bác sĩ nha khoa không được coi là nhân viên y tế tuyến đầu. Trước đó, khi căn bệnh mới lan sang Mỹ, nhiều người đã quyên tặng thiết bị bảo hộ cho các đồng nghiệp trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Điều này vô tình khiến họ lâm vào tình cảnh trớ trêu hậu đại dịch.
Mới đây, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đã nâng nha sĩ lên vị trí thứ tư trong danh sách ưu tiên cung cấp đồ bảo hộ, sau bệnh viện, nhà dưỡng lão và bác sĩ. FEMA đã cam kết bổ sung khoảng 2,5 triệu chiếc khẩu trang N95 cho ADA. Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp cũng cho biết nha sĩ nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus.
Margaret Scarlett, bác sĩ nha khoa kiêm cố vấn Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết nCoV chủ yếu lây lan qua các giọt bắn hô hấp và môi trường khí dung. Trong khi đó, phần lớn thời gian làm việc, nha sĩ tiếp xúc ở khoảng cách rất gần với mặt của bệnh nhân (từ 30 đến 45cm). Các thủ tục y khoa họ thực hiện cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi để virus khuếch tán.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa việc đi khám răng nguy hiểm đối với người bệnh.
"Bác sĩ nha khoa nắm rõ các biện pháp phòng ngừa họ cần thực hiện", Chad Gehani, giám đốc ADA, nói. Ông cho biết đến nay, Hiệp hội chưa ghi nhận trường hợp nha sĩ nhiễm nCoV từ bệnh nhân khám răng và ngược lại.
Để chống lây truyền virus, CDC và ADA khuyến nghị các bác sĩ nha khoa đeo tấm chắn giọt bắn, khẩu trang y tế hoặc mặt nạ N95. Bên cạnh đó, nên giảm thiểu sử dụng thiết bị tạo khí dung. Công tác sàng lọc bệnh nhân trước khi thăm khám cũng vô cùng quan trọng.
Dù dịch bệnh có phần suy yếu, các phòng khám nha khoa vẫn rất vắng vẻ bởi người dân chưa cảm thấy an tâm khi thực hiện các thủ thuật tự chọn. Điều này trở thành gánh nặng tài chính đối với bác sĩ tư, đặc biệt là khi họ phải bỏ ra khoản tiền lớn lắp đặt các thiết bị khử khuẩn.
Thục Linh (Theo WSJ)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử