Nhiều thách thức để chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030
Nỗ lực tiệm cận mục tiêu
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, trong chín tháng đầu năm 2019, Việt Nam có hơn 7.700 người mới nhiễm HIV, số tử vong do AIDS là 1.428 người. Ước tính đến nay, Việt Nam có khoảng hơn 211.000 người bị nhiễm HIV.
Số lượng người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục tăng qua các năm, đến nay đã có 142.000 người được điều trị AVR tại 436 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Số người được điều trị chiếm khoảng gần 70% số người nhiễm HIV.
Một trong những điểm sáng trong công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2019 là chúng ta đã điều trị ức chế tải lượng vi rút HIV ở mức không phát hiện được (tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml), chỉ thấp hơn nước Anh.
Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai chiến dịch truyền thông trên quy mô lớn "K=K", nghĩa là người nhiễm HIV, uống thuốc ARV hằng ngày đến mức đạt được và duy trì tải lượng vi rút không phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục.
“Chương trình "K=K" có nghĩa là "không phát hiện = không lây truyền" là phát hiện quan trọng giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học này giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long nói.
Theo bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), hiện trên thế giới không có nước nào có tỷ lệ K=K như Việt Nam. “Đây là điều Việt Nam cần tự hào”, bà Paula Morgan chúc mừng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS cũng đã đạt được tỷ lệ tới 90% - 91%, trong đó có chín tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đạt 100% bao gồm Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Đà Năng, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hưng Yên. Đến nay, đã có 96% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, tạo cơ hội cho người bệnh được tiệm cận nguồn thuốc điều trị ổn định.
Nhiều thách thức để chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030
Theo quy định quốc tế, nếu quốc gia nào đạt mức dưới 1.000 người bị nhiễm mới HIV/AIDS mới được đưa vào danh sách nhóm các quốc gia cận kề với mục tiêu không còn dịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn có khoảng 10.000 ca mắc mới HIV nên chưa thể đưa vào nhóm các quốc gia không còn HIV/AIDS. “Để tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, chúng ta không được chủ quan”, Cục trưởng cho hay.
Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là còn nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Việt Nam có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV hiện còn sống, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 200 nghìn người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Theo Cục trưởng, với số lượng hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình có thể vô tình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Bên cạnh đó, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng. Đồng thời, hiện nhiều người được chẩn đoán nhiễm HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV.
Hiện nay, đã có 429 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh, thành phố và hầu hết các huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng.
“Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 131.600 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt được khoảng 70% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho hay, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại. Trong đó, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm đồng giới nam lại đang có xu hướng gia tăng ở cả tỷ lệ mắc, tỷ lệ mới nhiễm.
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng đang là rào cản với người nhiễm HIV từ chối đi làm xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế. Đặc biệt, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS rất hạn chế.
Vì thế, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, mục tiêu trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 sẽ mang chủ để "Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS". Các hoạt động năm nay sẽ hướng đến mục tiêu giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm căn bệnh này. Đồng thời, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV đến mọi người dân; tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm và phát hiện điều trị sớm HIV/AIDS cho những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, nâng tỷ lệ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bị nhiễm HIV.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư