Nỗ lực sản xuất vật tư chống dịch
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Tính đến ngày 11-2, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân cung cấp ra thị trường đạt hơn 200 nghìn chiếc. Công ty đang mở rộng sản xuất mặt hàng này tại các đơn vị thành viên của Vinatex như công ty: Dệt may Nam Định, May Hưng Yên, May Đức Giang,... với mục tiêu cung ứng sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn ra thị trường hơn 350 nghìn chiếc/ngày trong một vài ngày tới. Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân Trần Việt cho biết, nguyên liệu để sản xuất vải dệt kim của Đông Xuân hoàn toàn sử dụng từ các đơn vị trong nước (kéo sợi và dệt tại Việt Nam), riêng hóa chất để xử lý kháng khuẩn được nhập khẩu từ Nhật Bản cho nên khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện đang xuất hiện loại khẩu trang giả, nhái nhãn mác của Dệt kim Đông Xuân với mức giá bán thấp hơn giá niêm yết của công ty, người dân cần đến năm cơ sở bán sản phẩm của công ty để mua hàng chính hãng, tránh “tiền mất tật mang”. Hiện tại, công ty đang tăng năng lực sản xuất, phấn đấu từ ngày 12-2 trở đi, sẽ cung ứng khoảng 200 đến 250 nghìn chiếc/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực miền bắc. Đối với thị trường miền nam, công ty cũng khẩn trương chuyển 10 tấn vải dệt kim kháng khuẩn vào Công ty May Nhà Bè để sản xuất 500 nghìn chiếc và cung ứng ra thị trường trong đợt 1. Với số lượng 35 tấn vải dệt kim kháng khuẩn hiện có, tương đương số lượng sản xuất 1,6 triệu chiếc khẩu trang, cùng năng lực sản xuất từ 8 đến 10 tấn vải dệt kim kháng khuẩn mỗi ngày, đơn vị hy vọng sẽ cung ứng đủ cho các đơn vị có nhu cầu.
Theo Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, khẩu trang vải kháng khuẩn là mặt hàng hoàn toàn mới, tập đoàn chưa bao giờ sản xuất. Do đó, để sản xuất khẩu trang, Vinatex và các đơn vị thành viên phải sắp xếp lại dây chuyền may, đào tạo công nhân về kỹ thuật, cũng như chuyển giao thiết kế tới các đơn vị trong tập đoàn. Trong thời gian đầu, mỗi công nhân làm chưa đạt 100 sản phẩm/ngày, tuy nhiên sau khi làm quen với quy trình sản xuất mới, mỗi công nhân có thể tăng năng suất lên 300 sản phẩm/ngày, dự kiến sau khoảng một tuần, công suất có thể nâng lên cao nhất, mỗi ngày các đơn vị của Vinatex đủ khả năng sản xuất được 250 đến 300 nghìn sản phẩm.
Hiện nay các đơn vị thành viên của Vinatex như May 10, May Hưng Yên, Dệt may Huế, May Đồng Nai, Dệt kim Đông Xuân,... vẫn đang ráo riết chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc tích cực nâng công suất, phân bổ một số chuyền may để sản xuất mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn phát miễn phí cho người dân địa phương cũng như cung ứng ra thị trường. Tổng Giám đốc Tổng công ty May Đồng Nai Bùi Thế Kích cho biết, May Đồng Nai đang nâng công suất sản xuất vải không dệt kháng khuẩn lên 10 đến 15 tấn/ngày. Mỗi ki-lô-gam vải có thể sản xuất 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn sử dụng một lần. Với sự nỗ lực của mình, đơn vị hy vọng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng như thời gian qua. Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Huế Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 5-2 vừa qua, công ty đã bàn giao Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế 15 nghìn khẩu trang dệt kim kháng khuẩn để cấp phát tới các trường học, bệnh viện trên địa bàn. Đồng thời, sẽ bàn giao thêm 15 nghìn chiếc khẩu trang nữa cho Thừa Thiên Huế và 10 nghìn chiếc cho UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Đồng thời, tăng năng suất dệt vải nhằm cung ứng cho một số đơn vị như Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ để sản xuất khẩu trang, cung ứng cho địa bàn TP Đà Nẵng.
Chủ động nguồn nguyên, phụ liệu
Tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang trên thị trường vừa qua, một số đơn vị thậm chí còn xảy ra hiện tượng đầu cơ nhằm trục lợi. Liên quan vấn đề này, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định, lãnh đạo Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tính toán lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dành riêng một số chuyền may chuyên sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường, tránh tình trạng khan hiếm như vừa qua. Đề cập về lượng đơn hàng tại Dệt kim Đông Xuân, Tổng Giám đốc Trần Việt cho biết, số lượng đơn hàng khẩu trang công ty nhận được đã lên đến hơn chục triệu chiếc, tuy nhiên, đây là mặt hàng mới, đơn vị chưa từng sản xuất dẫn đến năng suất hiện tại vẫn còn thấp. Trong vòng một tuần tới, công ty sẽ tăng nhanh năng suất và công suất dây chuyền, đồng thời sử dụng các nhà máy vệ tinh để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Công ty cũng đã tạm dừng nhận các đơn hàng lớn và sẽ nhận lại sau 10 ngày nữa để tập trung, ưu tiên sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Sau khi ổn định sản xuất, công ty sẽ nghiên cứu cung ứng phục vụ các nơi khác nếu có nhu cầu.
Không nằm ngoài cuộc, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI - đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã nghiên cứu và sản xuất thành công nước rửa tay khô sát khuẩn (cồn gel diệt khuẩn, VPI-gel) có khả năng diệt khuẩn vượt trội tới 99,99%. VPI đang làm việc với các công ty dược để triển khai sản xuất VPI-gel ở quy mô lớn, đáp ứng các quy định pháp luật về sản xuất và phân phối sản phẩm cũng như ghi nhận ý kiến người dùng về mùi hương, mầu sắc để hoàn thiện sản phẩm. Ngoài ra, VPI đang phát triển sản phẩm VPI-gel dạng viên nang, màng bao sinh học để thuận tiện cho người sử dụng, hướng tới việc bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng vừa pha chế thành công dung dịch rửa tay khô sát khuẩn theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ công nhân viên. Tương tự, Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly) đã kịp thời sản xuất, xuất bán ra thị trường 5 tấn nguyên liệu sợi xơ dài (DTY) để sản xuất khẩu trang y tế. Theo lãnh đạo VNPoly, thời gian tới công ty sẽ tiếp tục nâng cao công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một trong những khó khăn mà các ngành kinh tế phải đối mặt khi dịch bệnh do nCoV đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh như sức tiêu thụ các sản phẩm xăng, dầu, đạm bị sụt giảm. Các hoạt động dịch vụ dầu khí trên trường quốc tế có nguy cơ bị gián đoạn, kéo dài khi Chính phủ tại nhiều quốc gia đang có kế hoạch áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch do nCoV, nhất là các đơn hàng dệt may xuất khẩu không có nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng,... Liên quan vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, doanh nghiệp đang rất lo lắng về nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ xuất khẩu cho những đơn hàng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sắp tới. Bởi, nguồn nguyên, phụ liệu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, với lượng nhập khẩu chiếm hơn 80%. Nếu tình hình dịch bệnh không được khống chế trong thời gian ngắn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Trước mắt, May 10 sẽ cùng với khách hàng tìm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc thay thế, tuy nhiên, về lâu dài các đơn vị sẽ phải tính toán đến chiến lược phát triển nguồn nguyên, phụ liệu trong nước, giúp doanh nghiệp hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ