Nữ điều dưỡng duy nhất trong khu phẫu thuật phóng xạ

Theo VnExpress 02:49 08/03/2021 - Y tế 24h
TP HCM - 2h sáng, điều dưỡng Diệp vừa chợp mắt sau một ca can thiệp phức tạp thì phòng cấp cứu báo có bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch.

Diệp vội bật dậy đón bệnh nhân từ băng ca. Người bệnh khó thở, tím tái, bứt rứt. Chị đỡ dậy rồi nhanh chóng đưa máy vào theo dõi nhịp tim, huyết áp.

Bệnh nhân trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc, huyết áp tụt, nhịp tim rối loạn, có dấu hiệu ngưng tim, đau ngực trái dữ dội, bắt đầu đờ đẫn. Ê kíp 6 người gồm hai bác sĩ, hai điều dưỡng, hai kỹ thuật viên nhanh chóng trong từng thao tác. Theo y lệnh của bác sĩ, Diệp đẩy bệnh nhân vào phòng can thiệp và chuẩn bị các dụng cụ để đặt nội khí quản. Đây là ca cấp cứu nặng nên phải phối hợp vừa hồi sức vừa can thiệp thì mới có thể cứu sống người bệnh.

Trong lúc kỹ thuật viên đặt nội khí quản, Diệp vệ sinh cá nhân bệnh nhân, tháo răng giả, thay quần áo để chuẩn bị cho ca can thiệp.

"Ở vùng bẹn thường có động mạch lớn, đây là nơi đưa ống tiêm vào, dán nhiều băng keo y tế nên phải vệ sinh sạch vùng kín cho bệnh nhân để tránh bị đau rát khi gỡ băng keo", chị Diệp, 35 tuổi, điều dưỡng của Đơn vị Can thiệp Nội mạch DSA, Bệnh viện Y Dược TP HCM, kể.

Trong tích tắc, kỹ thuật viên hình ảnh của Đơn vị đã chụp xong hình ảnh mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Hình ảnh cho thấy bệnh nhân tổn thương nặng hai thân mạch vành. Cùng lúc này, Diệp phát hiện bệnh nhân dấu hiệu ngưng tim.

Chị cùng một kỹ thuật viên khác nhanh chóng nhồi tim cho bệnh nhân. Màn hình theo dõi bắt tín hiệu nhịp tim bệnh nhân hồi phục, vậy là "có cơ hội sống trở lại rồi". Bác sĩ tiếp tục can thiệp mạch máu cho bệnh nhân bằng máy DSA. Cả ê kíp thở phào nhẹ nhõm khi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định trở lại.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệp. Ảnh: Lê Cầm.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệp. Ảnh: Lê Cầm.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệp là "bóng hồng" duy nhất tại Đơn vị Can thiệp nội mạch (DSA), Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Đảm nhận công việc điều dưỡng tại DSA, Diệp vừa phải chịu áp lực của nghề "làm dâu trăm họ", áp lực từ những ca cấp cứu và môi trường làm việc độc hại.

"Chúng tôi thường ví môi trường làm việc tại DSA như 'sa mạc', rất khắc nghiệt và có nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Nhiều nữ bác sĩ và điều dưỡng từ chối làm việc ở đây cũng vì lý do này", Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Trưởng Đơn vị can thiệp nội mạch chia sẻ.

Can thiệp nội mạch trên máy DSA là phương pháp điều trị ít xâm lấn, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Hàng nghìn bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã được cứu sống nhờ DSA, tránh được cuộc mổ lớn. Tuy nhiên, phương pháp này phải ứng dụng trong môi trường phóng xạ, khiến các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng có nguy cơ cao bị u não, ung thư da, tổn thương thủy tinh thể, bệnh tuyến giáp do tiếp xúc gần với tia phóng xạ mỗi ngày.

Diệp tâm sự: "Trước kia ở đơn vị cũng có một số nhân viên nữ như kế toán, thư ký và điều dưỡng. Do áp lực công việc quá nặng nề, môi trường làm việc độc hại nên có người chuyển công tác, có người vì lý do sức khỏe như bị ung thư tuyến giáp nên nghỉ việc".

Vậy mà thấm thoắt, Diệp đã gắn bó với công việc này được 14 năm. Từ nhỏ đã yêu nghề y nên dù kinh tế gia đình khó khăn, chị vẫn quyết tâm học hành để theo đuổi nghề. Năm 2004, chị thi vào Đại học Y Dược TP HCM, đậu ngành điều dưỡng đa khoa hệ Trung cấp, được trường trao học bổng, miễn toàn bộ học phí. Sau khi tốt nghiệp rồi vào bệnh viện làm, gia đình, bạn bè ai cũng mừng. Riêng Diệp âm thầm suy nghĩ về những thử thách đang chờ phía trước và nỗ lực để bám trụ với nghề.

Thời gian Diệp dành cho bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Có những hôm không kịp ăn trưa vì dang dở cùng ê kíp trong ca can thiệp. Mỗi ngày, chị làm việc liên tục khoảng 9-10 giờ, chăm sóc hàng chục bệnh nhân từ các khoa. Những hôm trực đêm, chị phải vào bệnh viện từ 4h chiều đến 7h sáng hôm sau.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệp (trái) trong bộ đồ bảo hộ ngăn tia phóng xạ, hỗ trợ bác sĩ tại phòng can thiệp nội mạch. Ảnh: Lê Cầm.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Diệp (trái) trong bộ đồ bảo hộ ngăn tia phóng xạ, hỗ trợ bác sĩ tại phòng can thiệp nội mạch. Ảnh: Lê Cầm.

Mang áo chì nặng hơn 10 kg mỗi ngày, chị Diệp bị giãn tĩnh mạch, đang điều trị. Da của chị cũng sạm hơn so với người bình thường. Nhưng tình yêu dành cho công việc là động lực giúp chị sẵn sàng chấp nhận rủi ro ấy, kiên trì làm việc.

"Khác với công việc điều dưỡng ở những khoa khác, công việc tại đây giúp tôi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, nhiều loại bệnh khác nhau, nhiều bác sĩ từ các khoa. Qua mỗi ca xử lý, mình lại được học hỏi nhiều hơn, nâng cao chuyên môn", chị chia sẻ.

Điều dưỡng Diệp là mẹ của hai bé, một 10 tuổi, một 7 tuổi. Chồng chị cũng là y sĩ làm việc tại bệnh viện. Để gắn bó với nghề, bên cạnh niềm đam mê dành cho công việc, cả hai còn có cả sự hy sinh thầm lặng về sức khỏe, thời gian cho gia đình. Hai vợ chồng sắp xếp lịch trực để thay phiên nhau đón và chăm sóc cho con. Chị kể có lúc con trai thấy mẹ đi trực đêm nhiều thì hỏi "sao mẹ không đổi ca để ở nhà ngủ với con". Chị phải an ủi, động viên con để quen dần với thời gian công việc của mẹ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đai học Y dược, chia sẻ: "Điều dưỡng Diệp là một trong số ít nữ chọn làm việc trong môi trường của DSA. Chị tỏa sáng với nụ cười nồng hậu, tình yêu nghề, thái độ làm việc chuyên nghiệp và luôn hết mình với bệnh nhân".

Không chỉ tận tụy trong công việc, điều dưỡng Diệp còn luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn. Sau khi đã hoàn thành chương trình cử nhân điều dưỡng tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sắp tới chị tiếp tục theo học thạc sĩ điều dưỡng để nâng cao trình độ.

Lê Cầm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới