Phát hiện nhiều biến thể của nCoV

Theo VnExpress.net 01:50 12/03/2020 - Y tế 24h
Brazil và Italy là hai nước mới nhất ghi nhận nCoV đột biến khác với virus ban đầu tìm thấy ở Vũ Hán.
Đồ họa mô phỏng nCoV. Ảnh: CDC.
Đồ họa mô phỏng nCoV. Ảnh: CDC.

Các nhà nghiên cứu ở Viện Adolfo Lutz (IAL), Đại học São Paulo (USP) và Đại học Oxford công bố trình tự gene hoàn chỉnh của nCoV từ mẫu bệnh phẩm của một người đàn ông 61 tuổi ở São Paulo, người quay trở về từ Italy và được chẩn đoán nhiễm nCoV. Họ giải trình tự trong chưa đầy 48 giờ và chia sẻ kết quả hôm 28/2 trên trang Virological.org, kho dữ liệu dành cho các nhà vi trùng học, dịch tễ học và chuyên gia y tế công cộng.

Theo Ester Sabino, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới thuộc USP, đây là phân tích hệ gene hoàn chỉnh đầu tiên của nCoV tìm thấy ở Lombardy, tâm dịch tại Italy. Kết quả phân tích sơ bộ chỉ ra hệ gene này khác với virus Vũ Hán ở ba đột biến. Thông tin sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách virus lan rộng khắp thế giới và phát triển vaccine cũng như xét nghiệm chẩn đoán.

Sabino cho biết trình tự của bệnh nhân nCoV đầu tiên ở Brazil rất giống mẫu bệnh phẩm giải trình tự ở Đức hôm 28/1. "Virus đột biến tương đối ít, trung bình mỗi tháng một lần, do đó giải trình tự những đoạn nhỏ của hệ gene không có ý nghĩa gì. Để hiểu cách virus lây lan và tiến hóa, chúng ta cần phải lập bản đồ cả hệ gene", Sabino chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu ở IAL cũng giải trình tự hệ gene của nCoV cô lập từ bệnh nhân số hai tại Brazil được chẩn đoán mắc Covid-19. Hoàn thành chỉ 24 giờ sau khi xác nhận ca bệnh, nghiên cứu cho thấy hệ gene của virus cô lập từ bệnh nhân đầu tiên và số hai có nhiều điểm khác biệt.

"Hệ gene của bệnh nhân số 2 ở Brazil giống hệ gene giải trình tự ở Anh hơn và cũng khác virus ở Vũ Hán. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đang mạnh dần khắp châu Âu ở chỗ các ca lây nhiễm nội bộ xảy ra tại nhiều nước thuộc châu lục", Sabino nhận định.

Quá trình theo dõi sẽ cho phép các nhà nghiên cứu nhận biết các đoạn thuộc hệ gene của virus ít đột biến nhất, một bước thiết yếu nhằm phát triển vaccine và xét nghiệm chẩn đoán. Theo Sabino, nếu các xét nghiệm nhắm vào đoạn gene thường xuyên đột biến, khả năng giảm độ nhạy sẽ rất cao.

Những đột biến phát hiện ở ca bệnh đầu tiên không nghiêm trọng bởi virus dường như vẫn ổn định đủ để vaccine có hiệu quả, theo David Heymann, giáo sư dịch tễ bệnh truyền nhiễm ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London. Theo Heymann, những đột biến nhỏ là điều bình thường, đặc biệt với virus ARN. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về virus, nhưng nó đang tiến hóa theo hướng có thể truy ngược về bệnh nhân đầu tiên ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Claudia Balotta ở Bệnh viện Đại học Sacco tại Milan, hôm 27/2 công bố họ đã cô lập thành công biến thể mới của nCoV từ một bệnh nhân người Italy. Biến thể virus này có nhiều khác biệt về mặt gene so với virus cô lập ở Trung Quốc. Theo Massimo Galli, giám đốc khoa Y sinh và Khoa học Lâm sàng ở Sacco, virus có thể đã tuần hoàn vài tuần trước những ca được xác nhận đầu tiên, có thể từ giữa tháng 1.

Hôm 3/3, tạp chí National Science Review công bố, kết quả giải trình tự hệ gene virus trên 103 bệnh nhân Covid-19 của các nhà khoa học Trung Quốc, cho thấy nCoV có hai biến thể, ký hiệu là L và S với đặc trưng là hai SNP khác nhau. SNP là một thay đổi base đơn trên chuỗi trình tự ADN, chiếm một tỷ trọng đủ lớn (trên 1%) trong cộng đồng.

Dù biến thể L (chiếm 70%) phổ biến hơn biến thể S (chiếm 30%), nhóm nghiên cứu nhận thấy biến thể S có trước. Biến thể L xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán, xác suất của chúng giảm dần từ đầu tháng 1/2020. Sự can thiệp của con người có thể tạo ra áp lực chọn lọc lớn hơn đối với biến thể L, khiến chúng lan nhanh và mạnh hơn. Ngược lại, biến thể S xuất hiện sớm và tấn công con người ít hơn, có xác suất tương đối ngày càng tăng do áp lực chọn lọc yếu hơn. Tuy vậy, kết luận này chưa được giới chuyên gia trên thế giới công nhận.

An Khang (Theo People’s Daily/Scidev/Agencia)

Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/phat-hien-nhieu-bien-the-cua-ncov-4067925.html

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới