Phòng, chống dịch Covid-19: Kinh nghiệm từ Vĩnh Phúc
Có thể nói, đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố tạo nên, nhưng cách làm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Vĩnh Phúc trong thời gian qua sẽ là kinh nghiệm không chỉ cho các địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay mà có thể là phương án áp dụng trong tương lai nếu có dịch bệnh mới xảy ra.
Chủ động, kiên quyết trong chỉ đạo
Chủ động - yếu tố đầu tiên nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Hàng chục văn bản chỉ đạo với hàng trăm trang giấy được ban hành, hàng chục cuộc họp được tổ chức từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cùng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ được triển khai trong vòng chưa đến một tháng. Những điều đó đã nói lên tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với dịch bệnh. Văn bản tiếp nối văn bản, gần như mỗi ngày đều có những chỉ đạo mới, từ chỉ đạo của Trung ương phải truyền đạt, cho tới những tình huống mới phát sinh trong thực tiễn.
Ngay trong văn bản đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành sau khi trong tỉnh xuất hiện một số ca mắc Covid-19 đã khẳng định cần khẩn trương, phải làm kiên quyết, quyết liệt phòng, chống dịch; toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Các cấp độ lây lan được xây dựng theo hệ thống cảnh báo, số lượng người đi học tập, công tác tại nước ngoài và lao động đến từ các vùng có dịch được thống kê; các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị, hội thảo phải tạm dừng, tất cả ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch… Những chỉ đạo, biện pháp mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền đó đã thể hiện sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo niềm tin, động lực và cả sức ép để các cơ quan chức năng, chuyên môn thực hiện các kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu nhất xảy ra.
Một cái Tết Nguyên đán trong lo lắng, thậm chí ngày kỷ niệm 70 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (tổ chức vào ngày 1-2) dường như cũng không trọn vẹn niềm vui. Ngày 17-1, nhóm tám công nhân công ty Nihon Plast (huyện Bình Xuyên) không may mang trong mình mầm bệnh virus mới sau hai tháng học tập tại Vũ Hán, Trung Quốc, trở về đã lây lan ra một số người thân trong gia đình. Cứ mỗi một ngày qua đi, thông tin về người mắc bệnh lại dội về, tất cả đều là người Vĩnh Phúc, và hầu hết đến từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.
Nhìn nhận một cách toàn diện rằng, khi Vĩnh Phúc có dịch, Thủ đô Hà Nội và cả nước sẽ nhanh chóng phải đối mặt vớ sự bùng phát. Vĩnh Phúc tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 2 nối với các tỉnh biên giới, gần sân bay Nội Bài, số lượng người cơ học di chuyển nhiều giữa các thành phố lớn. Nhận thức đúng tình hình, từ đó Tỉnh ủy đã có những hành động kịp thời.
Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ
Với nhiều biện pháp được đánh giá là mạnh mẽ nhưng không thể không làm nếu muốn khống chế dịch bệnh. Một cuộc “tổng tiến công” trên mọi mặt trận, diễn ra một cách nhanh chóng dưới sự chỉ huy của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Từ bốn cấp độ của ngành y tế ban hành cho từng diễn biến của dịch bệnh, tuy nhiên, thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn làm cao hơn một mức độ khuyến cáo để lường trước tình huống xấu hơn nhằm hạn cảnh báo ở mức cao nhất. Và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn cho sự lựa chọn này.
Đối mặt dịch bệnh bùng phát, càng cho thấy bản lĩnh, ý chí của người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo. Ngay trong cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại thời điểm quyết định sẽ tiến hành cách ly, khoanh vùng xã Sơn Lôi, cũng đã có đại biểu còn băn khoăn, lo ngại những bất ổn trong đời sống nhân dân. Nhưng với một quyết tâm cao nhất, hành lang pháp lý cho phép, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành một quyết định chưa từng có. Không chỉ riêng Vĩnh Phúc, mà cả nước chưa bao giờ phải thực hiện quyết định cách ly cả một đơn vị hành chính cấp xã để bảo đảm độ an toàn cao nhất cho người dân.
Và kể từ ngày 13-2, toàn bộ xã Sơn Lôi bị khoanh vùng, cách ly với thời gian là 20 ngày. Các lực lượng chức năng lập tám chốt và sau này nâng lên thành 12 chốt ở trên tất cả các con đường vào và ra xã Sơn Lôi. Các chốt này được bố trí các lực lượng (công an, quân đội, y tế, cán bộ chính quyền địa phương) kiểm soát việc đi lại của người dân; đóng cửa toàn bộ cửa hàng, cung cấp dịch vụ... Đồng thời, tiến hành phun khử trùng, tiêu độc trên diện rộng; huy động hết mức các lực lượng, nhất là cán bộ y tế để kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân.
Để kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời gian khoanh vùng, cách ly, tỉnh cũng tổ chức ngay một cuộc họp Hội đồng nhân dân bất thường để quyết định hỗ trợ người dân khu vực có dịch (xã Sơn Lôi) khi thực hiện cách ly với mức 40 nghìn đồng/người/ngày với trường hợp tại nhà; 60 nghìn đồng/người/ngày đối tượng cách ly ở Trung tâm y tế. Trong thời gian này, người dân sẽ được cung ứng hàng hóa, thực phẩm thông qua một đơn vị cung ứng để bảo đảm ổn định giá cả cho nhân dân.
Thực hiện cam kết với nhân dân xã Sơn Lôi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan (áo đỏ) xuống thăm hỏi bà con nhân dân xã Sơn Lôi sau một tuần cách ly.
Và để làm được điều này, người đứng đầu địa phương, mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phải xuống xã, lý giải, thuyết phục tạo niềm tin cho nhân dân, cùng lời cam kết sẽ xuống thăm xã hằng tuần để tạo sự yên tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người lao động.
Khi người dân xã Sơn Lôi hiểu và tin rằng, việc chống dịch không chỉ bảo đảm an toàn cho riêng bản thân họ mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với tất cả các địa phương khác cũng như với người dân trong cả nước, họ đã tích cực hợp tác để việc chống dịch có được kết quả tốt nhất. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để công tác phòng, chống dịch bệnh đi đến thành công.
Những động thái, chỉ đạo kiên quyết như trên thể hiện vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc góp phần cùng cả nước chung tay kiểm soát dịch bệnh. Dù đã nhiều lần đối mặt với thiên tai, dịch bệnh song có lẽ đây là lần đầu tiên việc phòng bệnh của tỉnh diễn ra trên diện rộng với quy mô lớn như vậy. Tinh thần của chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết từ người đứng đầu về phòng, chống dịch bệnh đã được lan tỏa và thể hiện trong hoạt động của từng cấp, ngành và người dân.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã được kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tạo ra sức ép, trong đó gắn trách nhiệm cho các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách từng huyện, thành phố, các sở, ngành, đơn vị và phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, Ban Chấp hành về kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch ở các địa phương trong tỉnh.
Tất cả các hoạt động chưa cấp thiết của các cơ quan nhà nước phải tạm dừng để tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh; yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi phát hiện cán bộ có biểu hiện sốt, ho phải chủ động cho nghỉ việc, tự cách ly tại nơi cư trú; giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức mở rộng bổ sung, điều tra xác minh và theo dõi sát tình hình sức khỏe của những người đã tiếp xúc gần với các trường hợp xét nghiệm dương tính với Covid-19; giao Chủ tịch UBND cấp xã giám sát về mặt hành chính, cán bộ y tế xã giám sát về y tế những trường hợp này (có biểu đồ theo dõi sức khỏe hằng ngày).
Điểm khác biệt trong phòng, chống dịch Covid-19 lần này là sự phối hợp rất tốt của liên ngành, không chỉ một mình ngành y tế chống dịch. Đây cũng là lần đầu tiên, lực lượng công an, quân đội trên địa bàn ra quân ở quy mô hùng hậu tham gia chống dịch,
Công an tỉnh tiến hành lập danh sách tất cả các trường hợp nhập cảnh từ nơi có dịch vào tỉnh; nếu chưa đủ 14 ngày phải yêu cầu nghỉ việc; phối hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giám sát các đối tượng đến từ vùng có dịch tự cách ly tại cơ sở cư trú. Bố trí lực lượng công an bảo vệ khu vực cách ly tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các chốt kiểm dịch tại xã Sơn Lôi, tham gia các đoàn kiểm tra, nếu cần thiết sẽ tiến hành cưỡng chế.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, tỉnh thực hiện cách ly tập trung, không tiến hành cách ly tại cộng đồng. Thành lập Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính đặt tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh (cũ) với quy mô 300 giường để khám sàng lọc các trường hợp có thể nhiễm bệnh; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh (Trung đoàn 834, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) là khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh; sử dụng Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên) là cơ sở khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị các trường hợp dương tính với Covid-19 ở khu vực tuyến huyện.
Là địa bàn có số lượng người dương tính với Covid-19 nhiều (11 trường hợp), trong khi đó, số lượng khu công nghiệp, công nhân lao động đông và người nước ngoài… cho nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan bệnh, Vĩnh Phúc đã nâng mức đáp ứng cao nhất có thể của toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ; thành lập ba tổ công tác để chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh này trong các khu công nghiệp. Tổ chức thực hiện đo thân nhiệt hai lần/ngày cho 100% người lao động; bố trí vị trí rửa tay và nước diệt khuẩn, xà-phòng cho nhân viên, người lao động khi ra, vào nhà máy; hạn chế thấp nhất các hoạt động đông người; tăng cường vệ sinh môi trường làm việc; có hồ sơ, danh sách để sàng lọc ngay từ ban đầu, đối với những người có biến đổi về nhiệt độ cơ thể phải được kiểm tra riêng và tiến hành cách ly khi cần thiết. Tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh và những người đến từ vùng có dịch được kiểm soát và cách ly tại gia đình.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã huy động toàn bộ cán bộ y tế trên địa bàn; đồng thời trưng tập thêm lực lượng y tế của quân đội, công an và các bệnh viện: Phổi T.Ư, Hữu nghị Lạc Việt, Giao thông vận tải, Quân y 109, Bệnh viện 74 Trung ương để bổ sung vào các đội cơ động triển khai phòng, chống dịch ở tuyến cơ sở.
Thành lập các đội phòng, chống dịch bệnh ở từng thôn, tổ dân phố với nhiệm vụ đi rà từng ngõ, gõ cửa từng nhà trong địa bàn để tuyên truyền, giám sát và tiến hành đo thân nhiệt; yêu cầu các trường hợp có bất thường về sức khỏe đến khám tại cơ sở y tế, tự cách ly và có cơ chế tiến hành cưỡng chế nếu không chấp hành.
Những thông tin về tình hình dịch bệnh thực sự ngắn gọn dễ hiểu được truyền đi hằng ngày, hằng giờ; cả tỉnh đâu đâu cũng thấy tờ rơi, áp-phích, xe truyền thanh, loa phóng thanh trong xã liên tục được vận hành. Ngay cả trên các ứng dụng thông minh, điện thoại di động mỗi khi người địa phương khác vào tới Vĩnh Phúc sẽ đều nhận được những thông tin về dịch bệnh cũng như phương pháp phòng tránh…
Có thể nói, Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ “chống” dịch với những tín hiệu tích cực xuất hiện. Song, nhiệm vụ “phòng” dịch cũng đang đặt ra những thách thức mới. Nhưng những thành công ban đầu của tỉnh Vĩnh Phúc được coi như một đợt “sát hạch” cho cấp ủy, chính quyền trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành, trước khi được cấp “bằng kinh nghiệm” trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh…
THIÊN ĐỨC
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ