Sáng nay bắt đầu tiêm vaccine Covid-19

Theo VnExpress 08:58 08/03/2021 - Y tế 24h
Sáng 8/3, những lọ vaccine đầu tiên được VNVC bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Hải Dương, chuẩn bị tiêm.

Ba thùng vaccine đã được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp nhận, đưa ngay vào kho lạnh, khoa Dược, để đảm bảo bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC. Khu tiêm chủng của bệnh viện đặt tại khoa Khám bệnh, gồm phòng khám sàng lọc, phòng tiêm và phòng chờ sau tiêm chủng.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết dự kiến 100 nhân viên là bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhiễm D, Hồi sức cấp cứu người lớn, khoa cấp cứu, được tiêm vaccine hôm nay. Đầu tiên họ được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng cá nhân, đồng bộ với hệ thống của Bộ. Tiêm xong, ở lại viện để theo dõi 30 phút, sau đó một số nhân viên tiếp tục quay lại làm việc theo lịch.

Cùng lúc, ở Hà Nội, xe chuyên dụng cũng đưa vaccine đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, để chuẩn bị tiêm. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết cả đợt này bệnh viện có 420 nhân viên y tế tiêm, kế hoạch là tiêm hết trong thời gian sớm nhất.

"Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ tiêm hết cho toàn bộ nhân viên bệnh viện, nhưng vì nguồn cung cấp vaccine còn phải phân bố nhiều tỉnh thành khác nên chúng tôi ưu tiên cho những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở Kim Chung, và một số nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cơ sở Giải Phóng", bác sĩ Điền nói.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng, khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là một trong những người đầu tiên sẽ được tiêm vaccine.

"Là một trong những người sẽ được tiêm đầu tiên tôi rất vui, nhất là được ưu tiên nhân ngày 8/3 - Ngày Quốc tế phụ nữ. Rất cảm ơn", chị Hằng chia sẻ.

Họp báo trước khi bắt đầu chương trình tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ước mơ của cả thế giới là có vaccine để phòng chống Covid-19, là "áo giáp chống dịch" hiệu quả, cũng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

"Chúng ta tự hào là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai tiêm vaccine Covid-10 sớm nhất, đồng thời là phát triển vaccine trong nước", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

Vaccine AstraZeneca được sản xuất, đưa vào sử dụng trong nhóm nhanh nhất trên thế giới. Chiến dịch tiêm lần này tại Việt Nam là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cả nước, được chuẩn bị đầy đủ, bài bản nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng cho người dân. Do đây là vaccine mới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tiêm chủng chủ động theo dõi, ghi nhận các phản ứng sau tiêm báo về Bộ Y tế để thu thập thông tin bất lợi sau tiêm, có biện pháp ứng xử kịp thời.

Thứ trưởng Sơn cũng khuyến cáo vaccine đòi hỏi thời gian đảm bảo yếu tố sinh miễn dịch. Do đó, bên cạnh tiêm chủng vaccine, người dân cần chấp hành nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, các quy tắc an toàn chống dịch tại các đô thị lớn, không phụ thuộc vào vaccine.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, giám sát viên quốc tế đang bàn giao và kiểm tra điều kiện tiêm chủng bên trong phòng tiêm trước giờ chính thức tiêm, sáng 8/3. Ảnh: Giang Huy.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, giám sát viên quốc tế đang bàn giao và kiểm tra điều kiện tiêm chủng bên trong phòng tiêm trước giờ chính thức tiêm, sáng 8/3. Ảnh: Giang Huy.

Hải Dương là địa phương đứng đầu trong danh sách ưu tiên tiêm chủng. Bộ Y tế phân phối cho tỉnh này 33.000 liều vaccine, nhiều nhất trong các tỉnh thành nhận vaccine đợt này. Công tác tiêm chủng sẽ diễn ra cùng lúc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh.

Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra phản ứng tiêm chủng. Mỗi đơn vị cử ít nhất một tổ cấp cứu lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần.

Ở Hà Nội, ngoài 450 liều vaccine được Bộ Y tế cấp trực tiếp cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hà Nội còn nhận 8.000 liều đưa về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố.

Vaccine AstraZeneca được đưa ra khỏi kho lạnh, lên xe đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sáng 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.
Vaccine AstraZeneca được đưa ra khỏi kho lạnh, lên xe đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sáng 8/3. Ảnh: Hữu Khoa.

Những người được tiêm chủng đợt này là nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19. Họ trực tiếp điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 hoặc có nguy cơ cao nhiễm. Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ hai liều vaccine AstraZeneca. Mũi tiêm thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần.

Trong Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, ngày 6/3, Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, mỗi địa điểm sẽ tiêm không quá 100 người trong một buổi tiêm, để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Địa điểm tiêm phải được bố trí theo quy tắc một chiều. Khoảng cách giữa các ghế ngồi chờ tiêm, các bàn tiêm, giữa các đối tượng và giường theo dõi sau tiêm phải tối thiểu hai mét.

Người được tiêm vaccine phải được khám sàng lọc. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ phải hoãn tiêm. Khi khám sàng lọc, người được tiêm phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.

Nhân viên y tế phải tư vấn kỹ lưỡng cho người tiêm về phản ứng có thể xảy ra sau tiêm, như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, sốt... hoặc nặng hơn là phản ứng phản vệ, dị ứng. Khi họ đồng ý, kí vào giấy đồng thuận tiêm vaccine Covid-19, quá trình tiêm mới được tiến hành. Sau đó, người tiêm sẽ được giữ lại theo dõi 30 phút và tự theo dõi tại nhà trong vòng vài ngày.

Lịch sử tiêm chủng sẽ được cập nhật và theo dõi trên hồ sơ sức khỏe điện tử. Cả cơ sở y tế và người bệnh đều có thể truy cập vào hồ sơ này.

Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng cũng phải trang bị hộp chống sốc, phòng trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm.

Việt Nam hiện có 117.500 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bộ Y tế quyết định phân phối vaccine trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.

Dự kiến, tháng 3 sẽ có thêm 1,3 triệu liều vaccine nữa về trong chương trình Covax Facility. Các tháng tiếp theo sẽ tăng dần lên, đảm bảo đủ 100 triệu liều cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Thư Anh - Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Y tế 24h - 28/11/2024

Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Y tế 24h - 27/11/2024

Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Y tế 24h - 25/11/2024

Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới