Sau ghép thận, cô gái 'cảm ơn mẹ đã sinh con lần hai'
Cách đây hai năm, Thanh thường xuyên ói mửa, đi tiểu nhiều, thỉnh thoảng chân bị sưng phù, không đi được. Khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bác sĩ phát hiện chị bị suy thận giai đoạn cuối, chỉ định sử dụng thuốc và chạy thận nhân tạo.
Ghép thận là phương án tốt nhất trong các phương pháp điều trị thay thế thận bị suy giai đoạn cuối. Chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng giúp duy trì sự sống cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Ghép thận mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn thay vì phải lệ thuộc vào máy lọc và các hệ thống lọc phức tạp.
Mẹ của Thanh, 51 tuổi, có các chỉ số miễn dịch học và chỉ số sinh hóa phù hợp, có thể hiến thận cho con gái.
Phó giáo sư, bác sĩ Trần Ngọc Sinh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, phẫu thuật viên chính ca ghép thận, cho biết hai thận của người mẹ chức năng hoạt động bình thường, tuy nhiên thận trái có một nang nhỏ khoảng 20 mm. Theo quan điểm nhân đạo trong y học, khi người hiến thận còn sống, nên chọn lấy quả thận kém hơn về chức năng, để lại quả thận tốt nhất cho người hiến nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho họ.
"Do đó, chúng tôi đã khuyên người mẹ nên hiến thận trái. Tuy nhiên, bà vẫn nhiều lần trình bày nguyện vọng hiến thận phải - quả thận tốt nhất cho con", bác sĩ Sinh chia sẻ.
Người mẹ nói: "Lúc biết Thanh bị bệnh nặng, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao có thể cứu con. Thật may mắn khi tôi có thể hiến thận cho con. Chỉ cần con được sống khỏe mạnh thì dù nỗi đau hay sự mất mát nào tôi cũng có thể chịu đựng được"
Sau khi cân nhắc nguyện vọng của người mẹ và phương án an toàn cho cả hai mẹ con, Hội đồng Ghép thận Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM quyết định lấy thận phải của người mẹ để ghép cho người con. Ca phẫu thuật diễn ra ngày 1/6. Vấn đề nang ở thận trái của người mẹ nếu có dấu hiệu bất ổn sẽ tiến hành can thiệp sau này. Đây cũng đồng thời là thử thách cho ê kíp mổ về mặt kỹ thuật, vì việc lấy và ghép thận bên phải phức tạp hơn so với bên trái.
Theo bác sĩ Sinh, tĩnh mạch thận phải rất ngắn, cần phải dùng một đoạn tĩnh mạch lấy từ nơi khác tạo hình làm dài tĩnh mạch thận thì mới ghép được. Thời gian qua bệnh viện có nhiều nghiên cứu giải pháp đơn giản và an toàn hơn cho vấn đề này, đó là áp dụng kỹ thuật chuyển vị mạch máu khi ghép thận phải vào hốc chậu phải. Thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi sự tinh tế, phức tạp hơn về phẫu thuật, song tỷ lệ biến chứng hậu phẫu ít hơn so với các phương pháp khác.
Sau mổ 14 ngày, các chỉ số chức năng thận của người con đã trở về mức bình thường. Sức khỏe của hai mẹ con chị Thanh đều ổn định. Sau ca ghép 5 ngày, người mẹ được xuất viện với chỉ số creatinin - huyết thanh (chỉ số đánh giá chức năng thận) ở mức bình thường. Thanh vẫn được tiếp tục theo dõi tại phòng cách ly tuyệt đối.
Gần hai tuần sau ghép, ngày 22/6 chị Thanh được Hội đồng Ghép thận cho xuất viện trong sự vui mừng, xúc động của người thân và y bác sĩ.
"Nghĩ đến mẹ, tôi thường không cầm được nước mắt. Hơn một năm ròng rã chạy thận tôi đã suy kiệt lắm rồi, không nghĩ rằng mình lại có thể được sống khỏe mạnh như ngày hôm nay. Tất cả là nhờ có mẹ, nhờ có các y bác sĩ của bệnh viện", Thanh cho biết.
Lê Cầm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ