Sinh đôi trai gái sau 18 năm hiếm muộn
Chị Sang kết hôn với anh Lê Văn Biên, năm 2000, sinh con gái đầu lòng năm 2001. Tích góp dần, cả hai quyết định sinh thêm, cũng mong có được con trai. Chờ đợi một năm, hai năm... mãi không có tin vui.
Đầu năm 2010, hai vợ chồng đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán một bên vòi trứng của chị hạn chế dẫn đến việc khó có con. Chạy chữa hai năm, chị Sang mang thai ngoài tử cung, không giữ được, còn phải cắt bỏ một bên vòi trứng.
Tiếp đó, hai vợ chồng đến nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, uống mọi loại thuốc từ thuốc tây đến thuốc nam.
Tháng 11/2017, khi 36 tuổi, chị đến Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, cho biết chị chỉ có 20% hy vọng. Bệnh nhân nội tiết kém, từng có thai ngoài tử cung, cắt một bên vòi trứng khiến dự trữ buồng trứng kém.
"Bệnh nhân chỉ có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và phải làm sớm nếu không sẽ hết trứng", bác sĩ Nhã tư vấn.
Lần chuyển phôi đầu thất bại. Chị được bác sĩ tư vấn xin trứng từ người khác, song từ chối. May mắn lần chuyển phôi thứ hai thành công và thai đôi.
Trong suốt thai kỳ, chị Sang gần như sống ở viện. Những bà mẹ làm IVF "có thai đã khó, giữ thai càng khó hơn". Chị còn mang thai đôi nên càng cẩn trọng. Đến tuần 36, chị bị tiền sản giật phải nhập viện. Một tuần sau, bác sĩ chỉ định mổ đẻ.
Hai em bé chào đời ngày 28/11/2019 tại Bệnh viện Bưu điện. Bé gái được đặt tên Lê Thị Kim Ngân, nặng 2,8 kg; bé trai Lê Minh Nguyên, nặng 3,1 kg, đều hoàn toàn khỏe mạnh.
Từ ngày có thêm hai con, gia đình tất bật hơn vì cùng lúc chăm sóc hai con nhỏ. Cô con gái lớn năm nay 18 tuổi cũng thường xuyên về nhà, phụ giúp chăm em. Chị Sang khó khăn hơn khi gần như học lại từ đầu cách làm mẹ.
"Trước đây hay dùng tã, bây giờ thường dùng bỉm, trẻ bịt quá kín dễ bị nóng, nổi rôm...", chị tâm sự.
Điều khác biệt là cuộc sống hiện thoải mái, giải tỏa áp lực sau 18 năm hiếm muộn. Chị nói, sinh con khi tuổi đã lớn rất nguy hiểm, nhưng là bất đắc dĩ.
Giọng chùng xuống, chị nói về khoản nợ lớn treo lơ lửng sau hàng chục năm chi phí chữa hiếm muộn. Động viên vợ, "có con là có của", anh Biên vẫn cố gắng làm việc dù đã ngoài 40 tuổi. Ước mong lớn nhất bây giờ của hai vợ chồng là nhìn các con khỏe mạnh, nên người.
"Bao nhiêu năm cũng xứng đáng bởi hành trình tìm con chưa bao giờ dễ dàng. Cảm ơn y học đã cho tôi cơ hội được làm mẹ thêm một lần nữa", chị Sang chia sẻ.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử