Thêm ba người bệnh Whitmore
Ông Tuấn làm nghề nông, thường xuyên chăn nuôi, lội nước, ao hồ... Điều trị sốt ở bệnh viện tuyến dưới không bớt, ông được chuyển đến khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 6/11. Kết quả cấy máu và cấy dịch mủ gối phát hiện vi khuẩn B.pseudomallei gây bệnh Whitmore, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị.
Ông Tuấn là một trong 3 bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Hai trường hợp khác đến từ Sơn La và Nghệ An.
Phó giáo sư Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, ngày 19/10 cho biết từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân Whitmore. Riêng từ đầu tháng 11 đến nay có 6 bệnh nhân trong đó ba người đã ra viện.
"Các bệnh nhân trên 50 tuổi, tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi", ông Cường nói.
Gần đây liên tục ghi nhận các ca Whitmore, đặc biệt ở miền Trung. Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận gần 30 bệnh nhân Whitmore trong một tháng rưỡi qua, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ có 11 ca. Đây cũng là căn bệnh khiến vị chủ tịch của một xã tỉnh Quảng Bình tử vong khi cứu hộ người dân trong bão lũ.
Bộ Y tế chiều nay êu cầu các tỉnh, thành phố triển khai phòng chống bệnh Whitmore. Các tỉnh miền Trung sau mưa lũ, nhiều vùng dân cư bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh.
Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây số bệnh nhân có xu hướng gia tăng, cao điểm xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9-11.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Bệnh khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Điều trị bệnh mất thời gian lâu dài.
Những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe xác định vi khuẩn Whitmore.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi...
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch