Tìm nguyên nhân gây hoại tử xương sọ mặt ở người từng nhiễm Covid-19

Theo NhanDan 17/07/2022 - Y tế 24h
Trước thông tin gần 30 trường hợp bị hoại tử vùng xương sọ mặt hậu Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện cần sớm thành lập hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân gây bệnh để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Các bệnh nhân phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bệnh nhân phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Viêm hoại tử nặng xương vùng sọ mặt ở người từng nhiễm Covid-19

Nhiễm Covid-19 được 8 tháng, bệnh nhân A.T.L (43 tuổi) ngụ TP Hồ Chí Minh thấy có triệu chứng đau răng, sưng mặt, sau đó vào bệnh viện điều trị nha khoa, răng bớt đau nhưng mặt vẫn còn sưng. Bác sĩ giới thiệu sang chuyên khoa tai mũi họng phẫu thuật viêm xoang rồi tiếp tục điều trị áp xe hàm vẫn không khỏi.

Kết quả chụp CT ghi nhận xương bị hoại tử nên bệnh nhân được giới thiệu chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Chị không thể nghĩ, mình mắc căn bệnh hiếm gặp, phải trải qua cuộc phẫu thuật phức tạp để giữ được tính mạng.

Chỉ từ tháng 2 đến nay, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 16 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn, điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử xương vùng sọ mặt rất nặng ở người từng mắc Covid-19 do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng.

TS, BS Trần Anh Bích, Phó Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 2 tháng vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều ca bệnh cốt tủy viêm xương sọ mặt, có biến chứng viêm các xoang, áp xe xương thái dương hay áp xe ngoài màng cứng vùng trán do nấm hoặc vi trùng.

Riêng tại khoa Tai Mũi Họng cũng tiếp nhận 1 số bệnh nhân đến khám vì viêm xoang.

Những bệnh nhân này đã được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật tại các bệnh viện khác hoặc chưa phẫu thuật kèm theo các triệu chứng than phiền như đau đầu vùng trán hay thái dương, đau nhức âm ỉ vùng mặt, gần đây có sưng phồng đau nhức vùng mi mắt hoặc vùng trước trán.

Một điểm chung là các bệnh nhân này đều có các triệu chứng bắt đầu là đau dữ dội trong thời gian bị Covid-19, kéo dài cho đến hiện nay mà không hề có các triệu chứng hay ghi nhận tiền căn viêm xoang, viêm tai hay đau răng trước đó.

PGS, TS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Phẫu thuật đầu cổ TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân là trong giai đoạn nhiễm Covid-19, bị đau ở vùng đầu, mắt, răng. Bệnh tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm, được chẩn đoán viêm xoang.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng như mắt sưng viêm mí mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái dẫn đến khó nhai. Kết quả phim chụp cho thấy hoại tử nặng hốc mũi lan nhiều nền sọ.

Trước đây, bệnh cốt tủy viêm xương (osteomyelitis) sọ mặt là một tình trạng bệnh lý nặng rất hiếm gặp nhưng từ tháng 5/2021-5/2022, y văn thế giới ghi nhận khoảng 80 bài báo cáo, chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và 1 số nước châu Âu, Mỹ.

Hầu hết bệnh nhân có bệnh nền, đái tháo đường, đều từng mắc Covid-19 ở thời điểm biến chủng Delta bùng phát. Điều này giải thích tình trạng tăng vọt của số ca bệnh nói trên. Tuy nhiên, các chuyên gia không dám khẳng định 100% bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt và sọ mặt do Covid-19.

 

Sớm tìm ra nguyên nhân, tránh gây hoang mang dư luận

Trước thông tin hoang mang này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo nhanh tình hình người bệnh đến khám, điều trị, kết quả điều trị bệnh hoại tử xương hàm từ tháng 2/2022 đến nay cho Bộ Y tế trước ngày 16/7.

"Hai bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên. Bệnh viện tiếp tục quan tâm tổ chức đón tiếp, điều trị chu đáo, tận tình với người bệnh. Đồng thời có các thông tin chính xác dựa trên cơ sở khoa học và đề xuất có các biện pháp để người dân chủ động đề phòng, tránh làm hoang mang, bất ổn trong xã hội", Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị.

Theo ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đến nay ngoài thông tin của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế chưa nhận được báo cáo của các bệnh viện khác về căn bệnh tương tự. Nhiều bệnh viện tại Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh bị hoại tử xương vùng sọ mặt sau mắc Covid-19 tới khám.

Do Covid-19 là một bệnh mới, nên Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trong quá trình điều trị, khám hậu Covid-19 cần tiếp tục theo dõi sát, cập nhật, báo cáo để có điều chỉnh, bổ sung phù hợp các phác đồ điều trị.

Về điều trị, hiện Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ chuẩn nên chỉ có thể kết hợp điều trị cả nội lẫn ngoại khoa, như phẫu thuật để lấy hết xương viêm, xương hoại tử, dùng thuốc kháng sinh, cân nhắc sử dụng thuốc kháng nấm. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là những trường hợp này dễ bị nhầm lẫn trong chẩn đoán ban đầu, khiến bệnh nhân không được điều trị tận gốc.

Nhiều chuyên gia cũng cho biết, đến nay kể cả trên thế giới cũng chưa có nghiên cứu đầy đủ và bằng chứng khẳng định căn bệnh này có liên quan tới Covid-19, mà tất cả chỉ là giả thiết ban đầu dựa trên bằng chứng lâm sàng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người sau khi mắc Covid-19 từ 6-8 tháng nếu có tình trạng nhức đầu, viêm xoang được khuyến cáo nên được chụp CT-scan não để kịp thời phát hiện bệnh, xử lý viêm nhiễm sớm.

Người sau mắc Covid-19 cần chú ý tới hiện tượng hoại tử xương khi thấy các dấu hiệu đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân, thay đổi dáng đi, khập khiễng.

Đặc biệt những người đã trải qua bệnh Covid-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài trong quá trình điều trị thì nên đi thăm khám ngay.

Tới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ lập hội đồng chuyên môn với khoảng 20-30 chuyên gia đánh giá ban đầu về những vấn đề của bệnh lý trên cơ sở khoa học, tiếp tục khảo sát các yếu tố có liên quan và không vội vàng quy kết cho nguyên nhân Covid-19 do dễ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân.

Theo các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, các triệu chứng điển hình trên bệnh nhân và được chia thành các nhóm triệu chứng như :

- Nhìn thấy vùng sọ hoặc mặt có dấu hiệu sưng nề, không cân đối 2 bên, ấn đau và ấn có cảm giác phù nề, lõm.


- Vùng trán sưng nề, ấn lõm nhẹ, đau


- Khám mắt : Mi mắt trên sưng đỏ tấy, đau, rạch ra có ít mủ.


- Khám nội soi mũi xoang: Trong hốc mũi có nhiều mủ vàng đặc chảy ra từ các lỗ xoang hay lỗ thông xoang sau mổ những lần trước, một số bệnh nhân có kèm theo hoại tử nặng trong mô mềm và các xương hốc mũi.


- Khám răng lợi: Các răng hàm trên lung lay, đau, hoại tử niêm mạc làm lộ xương hàm hoặc hoại tử rộng vùng xương khẩu cái kèm theo nhiễm trùng, có mùi hôi thối khi bệnh nhân súc miệng (mặc dù các răng thì còn trong tình trạng tốt)


Trên hình ảnh học phim CT-scan thấy tình trạng viêm của các xương thuộc hệ thống xương hàm trên như :


- Xương nền sọ: Xương trán, xương bướm, xương thái dương, xương chẩm


- Các xương thuộc hệ thống xương hàm trên: Xương của thành các xoang mặt, xương khẩu cái.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Y tế 24h - 19/04/2024

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Y tế 24h - 19/04/2024

Đề xuất chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Y tế 24h - 19/04/2024

Có nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B khi đã nhiễm bệnh?

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Y tế 24h - 17/04/2024

Đồng Nai ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết năm 2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Y tế 24h - 17/04/2024

Tìm lại niềm vui cho bệnh nhân bạch biến

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới