TP.HCM: Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết tăng chóng mặt
Mỗi ngày có khoảng 10 - 15% bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng, trong khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.
Các bệnh viện tuyến cuối hiện đang quá tải, đi kèm với nỗi lo thiếu thuốc, vật tư Y tế.
Nhiều bệnh viện gấp rút tăng thêm giường
Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 28/6, tại Khoa Sốt xuất huyết thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1, các bậc cha mẹ đưa con tới khám, nhập viện rất đông.
Trong căn phòng gần 100m2, có hơn 20 giường bệnh kê san sát, kín bệnh nhi. Chị Khánh Ly (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đưa con trai 11 tuổi bị sốt xuất huyết nhập viện cho biết, trước đó cháu có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói nhưng không sốt.
Gia đình đưa tới khám tại Bệnh viện Tân Phú, các bác sĩ chẩn đoán cháu sốt xuất huyết và truyền nước. Tuy nhiên, do cháu chuyển nặng nên phải chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện đang thở oxy.
Tương tự, chị Phan Thị Minh Huyền (37 tuổi, ngụ Gò Dầu, Tây Ninh) với khuôn mặt âu lo bên giường bệnh con trai 6 tuổi. Lúc ở nhà, bé sốt cao 39 độ, sau 2 ngày, gia đình đưa bé nhập viện. Tại đây, bác sĩ đã cho xét nghiệm, kết quả bé có dấu hiệu rối loạn đông máu và phải điều trị.
Ths. BS. Phan Nguyễn Liên Anh, Phó trưởng Khoa Sốt xuất huyết cho biết: “Khoa đang điều trị hơn 100 bệnh nhân. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng hàng ngày khoảng 10 - 15%. Có những ca rất nặng, phải điều trị đến hơn 3 tuần”.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện này đã quá tải, các khoa khác cũng phải kê thêm giường vì các phòng bệnh khác đã kín chỗ.
Tại phòng bệnh của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, do lượng bệnh nhân quá đông nên ở ngay khu vực cấp cứu của bệnh viện có phòng lưu lại các bệnh nhân sốt xuất huyết để được xử lý và đưa vào khoa ICU. Không chỉ tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn, mà cả khoa ICU cho trẻ em cũng không còn giường trống. TS. BS. Phan Tứ Quý, Trưởng khoa ICU cho biết, khoa đang quá tải, bởi bình thường mỗi ngày chỉ tiếp nhận 10 bệnh nhi, nay tăng lên gấp đôi và con số vẫn chưa dừng lại.
Lo thiếu thuốc điều trị
Lo ngại hơn, hiện ở nhiều khu trọ trên địa bàn thành phố đã xuất hiện những ổ dịch sốt xuất huyết mới.
Chỉ tính riêng phường 14, quận Gò Vấp đã có 4 ổ dịch. Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 cho biết, địa phương đã tổ chức giám sát, kiểm tra, nhắc nhở người dân chủ động các biện pháp phòng dịch, đồng thời tiến hành xử lý để hạn chế nguy cơ bùng phát, lây lan dịch.
Theo khảo sát của PV, tại các phường 10, 17, quận Gò Vấp, nơi gần chợ tự phát có rất nhiều khu nhà trọ. Các dãy nhà cấp 4 được xây sát nhau, trần thấp, nhiều phòng không có cửa sổ.
Đặc biệt, mỗi phòng là nơi ở của từ 2 - 4 người, lối đi chung rất hẹp. Quanh khu vực, la liệt các vật dụng, chai lọ chứa nước có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng.
Chị N.N.T (35 tuổi) lao động tự do sống tại khu trọ tại phường 10 cho hay, rất lo lắng khi nghe tin có dịch sốt xuất huyết vì nhà có con nhỏ. Nơi ở của gia đình lại có diện tích nhỏ, thiếu ánh sáng. “Cả tuần nay chiều nào cũng mưa to liên tục khiến dãy trọ đọng nước nên cũng rất khó để diệt muỗi và loăng quăng”, chị T. nói.
Theo chân anh Phạm Đăng Khoa, cán bộ trung tâm y tế phường 14 đến khu phố 4 với hơn 30 nhà trọ, PV ghi nhận đa số các khu trọ với lối đi chật hẹp, các nhà thuê đều có diện tích nhỏ hẹp khoảng 20m2, ẩm thấp, dễ là nơi trú ngụ phát triển của muỗi.
“Lực lượng y tế đã phun thuốc diệt muỗi lần một sau khi phát sinh ổ dịch với hai ca sốt xuất huyết. Phường cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nhắc nhở bà con nhưng cũng rất lo ngại vì điều kiện sinh hoạt chật hẹp”, anh Khoa nói.
Trong khi đó tại quận 8, nơi có lượng kênh rạch và các khu nhà lụp xụp ven sông khá nhiều, tình trạng sốt xuất huyết cũng tăng mạnh thời gian qua.
BS. Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện quận 8 cho biết, bắt đầu từ tháng 5, số ca mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị liên tục gia tăng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 lượt khám và 15 trường hợp nhập viện.
“Đa số chúng tôi chỉ tiếp nhận những ca bệnh nhẹ, các trường hợp có dấu hiệu nặng, sốc và tái sốc sẽ chuyển viện lên tuyến trên”, BS. Hùng cho hay.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM đang có chiến dịch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi. Đợt tổng vệ sinh được thực hiện từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9 và có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình.
“Lo ngại nhất là tình trạng thiếu vật tư, thuốc điều trị sốt xuất huyết. Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế cần sớm có giải pháp”, ông Thượng nói.
Đã có 10 trường hợp tử vong
Người bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang cao nhất nước với gần 19.000 ca kể từ đầu năm (tăng 151% cùng kỳ năm ngoái), khiến bệnh viện tuyến cuối quá tải, tăng ca nặng và tử vong. So với cả năm 2019 (thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng mạnh), nửa đầu năm nay số ca trở nặng đã gấp gần 7 lần, tử vong gấp hơn 3 lần (10 người).
Theo thống kê, khoảng 70% các ca tử vong ghi nhận tại các đơn vị tuyến cuối được bệnh viện tỉnh chuyển đến trong tình trạng quá nặng, vượt quá khả năng điều trị. Bệnh nhân sốc rất sâu, kéo dài, suy đa tạng, viêm cơ tim, xuất huyết thể não, kèm bệnh nền hoặc béo phì, mang thai...
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Y tế 24h - 15/01/2025
Liệt nửa người sau mũi tiêm trị đau vai gáy ở phòng khám tư
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Y tế 24h - 07/01/2025
Bình Thuận: Sau bữa cơm với cá nóc, 1 người tử vong, 4 người nhập viện
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Y tế 24h - 06/01/2025
Bộ Y tế bám sát thông tin về ca mắc virus gây viêm phổi tại Trung Quốc
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Y tế 24h - 03/01/2025
Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh từ tạng hiến vào ngày đầu năm mới
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID
Y tế 24h - 02/01/2025
Từ 1/1/2025, người dân có thêm tiện ích mua thuốc online trên VNeID