Tỷ lệ chết vì Covid-19 của Thụy Điển vượt Mỹ
Thụy Điển, quốc gia hơn 10,2 triệu dân, ghi nhận 3.040 ca tử vong liên quan đến nCoV, tương đương tỷ lệ 297,16 ca trên một triệu dân, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Tỷ lệ này cao hơn mức 226,33 ca trên một triệu dân của Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, nơi báo cáo 74.239 ca tử vong do Covid-19.
Trong khi các nước trên thế giới ra lệnh người dân ở nhà, hạn chế đi lại, thậm chí áp phong tỏa, Thụy Điển lại theo đuổi chiến lược ứng phó Covid-19 mềm mỏng hơn, chủ yếu dựa vào ý thức tự giác giãn cách của người dân để làm chậm tốc độ lây nhiễm, tránh gây quá tải hệ thống y tế.
Stockholm muốn vượt qua khủng hoảng với một nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường. Nước này vẫn cho phép các cửa hàng, nhà hàng và phòng gym mở cửa, nhưng hy vọng khách hàng đến các địa điểm này tuân thủ việc giữ khoảng cách an toàn. Thụy Điển chỉ đóng cửa trường trung học và cấm tụ tập từ 50 người trở lên.
"Mục tiêu của Thụy Điển là cứu sống mọi người, ngăn chặn nCoV lây lan, đảm bảo hệ thống y tế có thể ứng phó và giảm thiểu hậu quả về kinh doanh, việc làm", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói trong cuộc phỏng vấn với Guardian hôm 27/4.
Tiến sĩ Johan Giesecke, từng là nhà dịch tễ học của chính phủ Thụy Điển, khẳng định nếu không có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả, không có cách nào ngăn được nCoV. Mục tiêu của Thụy Điển là làm chậm tốc độ lây nhiễm, hay nói cách khác là tạo ra "miễn dịch cộng đồng", khi để khoảng 60% dân số nhiễm virus và bình phục, tạo ra kháng thể chống lại nCoV.
"Khoảng 30% dân số Stockholm đã đạt một mức độ miễn dịch nhất định. Chúng tôi có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ở thủ đô vào đầu tháng tới", đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Ulrika Olofsdotter phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 26/4.
Đại sứ Olofsdotter thừa nhận vẫn cần thêm các nghiên cứu và thử nghiệm để tìm ra câu trả lời về khả năng miễn dịch với Covid-19, nhưng tin rằng chiến lược hướng tới "miễn dịch cộng đồng" của Thụy Điển đang gặt hái thành công, giúp nước này chống lại nCoV mà không cần áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do nCoV ở Thụy Điển đang cao hơn so với những nước láng giềng có quy mô dân số tương tự, bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, những nước áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Phong tỏa để ngăn nCoV lây lan hay không phong tỏa nhằm tạo "miễn dịch cộng đồng" tới nay vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới, khi các quốc gia chạy đua ngăn đại dịch. Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định hiện còn quá sớm để đánh giá chiến lược chống dịch của quốc gia nào thành công hơn, cho tới khi có vaccine hoặc cách điều trị hiệu quả để kiểm soát nCoV.
Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc từ cuối năm ngoái và xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế giới ghi nhận hơn 3,9 triệu ca nhiễm và hơn 270.000 ca tử vong do nCoV.
Hồng Hạnh (Theo New York Post)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ