Vaccine Covid-19 Việt Nam thử nghiệm trên người trong tháng 11
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, xác nhận thông tin trên với VnExpress sáng nay. Ông cho biết Bộ Y tế đã họp với các chuyên gia về thử nghiệm và kiểm định vaccine, Học viện Quân y vào ngày 2/11.
Theo ông Quang, Bộ Y tế đang yêu cầu nhà sản xuất hoàn thiện hồ sơ và thủ tục, cố gắng nhanh nhất trong tháng 11 thử nghiệm vaccine trên người. Dự kiến, giai đoạn một sẽ tiêm thử trên 20 người, giai đoạn hai thử nghiệm trên 600 người, giai đoạn ba hơn 10.000 người.
Ông Quang cũng cho biết Bộ Y tế đang hỗ trợ nhà sản xuất để việc thử nghiệm diễn ra nhanh, an toàn song vẫn đảm bảo các quy trình thử nghiệm, yêu cầu về đạo đức trong nghiên cứu.
Nếu thành công, vaccine Covid-19 của Nanogen sẽ là vaccine đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm trên người. Trên thế giới hiện 38 vaccine Covid-19 thử nghiệm trên lâm sàng.
Trước đó, Bộ Y tế đánh giá vaccine Nanogen là một trong hai vaccine Covid-19 tiềm năng nhất tại Việt Nam hiện nay. Nanogen đã sản xuất được vaccine Covid-19 ở quy mô phòng thí nghiệm, qua nhiều đợt đánh giá, đang tiêm thử nghiệm khả năng sinh miễn dịch và tính an toàn trên động vật.
Nanogen hiện có dây chuyền sản xuất vaccine với công suất khoảng 30 triệu liều một năm, được đánh giá đủ khả năng sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài Nanogen, Việt Nam còn ba vaccine Covid-19 khác đang trong quá trình nghiên cứu, thuộc các đơn vị Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) Nha Trang, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Trong đó, IVAC đang test thử thách vaccine, phối hợp với Mỹ. Test thử thách là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với nCoV để thử thách hiệu quả bảo vệ. Vabiotech hiện thử nghiệm vaccine trên khỉ, trong khi Polyvac tuyên bố "vaccine bước đầu cho thấy kết quả khả quan".
Nanogen sử dụng công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp, tức chuỗi các công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của nCoV vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp. Còn IVAC sản xuất vaccine từ phôi trứng gà, tức phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus không còn khả năng gây bệnh rồi tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vaccine.
Vabiotech và Polyvac nghiên cứu vaccine trên công nghệ vector virus, tức là sử dụng một virus không gây bệnh làm phương tiện, đưa một phần mã gene không có khả năng gây bệnh vào cơ thể, để kích thích cơ thể tạo đáp ứng miễn dịch.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch